Áp lực bán tăng mạnh về cuối phiên khiến thị trường chứng khoán Việt Nam đóng cửa ngày 26/7 trong sắc đỏ giảm điểm. Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 3,43 điểm (-0,29%) xuống 1.185,07 điểm. Toàn sàn có 139 mã tăng, 311 mã giảm và 71 mã đứng giá. HNX-Index giảm 2,5 điểm (-0,88%) xuống 282,88 điểm. Toàn sàn có 58 mã tăng, 119 mã giảm và 62 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 0,06 điểm (0,07%) lên 88,41 điểm.
Tại nhóm ngân hàng, sắc đỏ cũng chiếm ưu thế với 13 mã giảm, 8 mã tăng và 6 mã đứng giá tham chiếu. Trong đó, ABB dẫn đầu xu hướng giảm khi mất 1,8% xuống còn 10.700 đồng/cp. Nhiều mã ngân hàng khác cũng ghi nhận mức giảm trên 1% như TPB (-1,5%), BVB (-1,4%), EIB (-1,3%), BAB (-1,2%).
Ở chiều ngược lại, PGB của PG Bank bật tăng 2,3% sau phiên giảm điểm ngày hôm qua. Tuy nhiên, cả ngày chỉ có 13.300 cổ phiếu được các nhà đầu tư sang tay, giá trị chưa đến 300 triệu đồng. Trước đó, cổ phiếu này đã tăng gần 23% trong tuần trước sau thông tin Petrolimex chuẩn bị thoái 40% vốn tại PG Bank.
VCB cũng thể hiện màn trình diễn tốt trong phiên hôm nay khi xanh 1,4% và là mã có đóng góp tích cực nhất vào Vn-Index. Cổ phiếu VCB bật tăng sau khi Vietcombank công bố báo cáo tài chính quý II với lợi nhuận trước thuế hợp nhất 6 tháng đầu năm đạt hơn 17.300 tỷ, tăng 28% so với cùng kỳ năm trước và đứng đầu hệ thống ngân hàng.
Cùng với VCB, BID của BIDV mở cửa tăng gần 1,7% lên 36.000 đồng/cp. Dù hạ nhiệt sau đó nhưng cổ phiếu này vẫn có được mức tăng 0,4% khi kết thúc phiên chiều. Kết quả kinh doanh của BIDV hiện chưa được công bố nhưng theo dự báo của SSI, lợi nhuận trước thuế trong quý II/2022 có thể đạt 5.500 tỷ đồng (tăng 18% so với cùng kỳ), nhờ hệ số LDR tăng lên (tăng trưởng tín dụng đạt 9-10% và tăng trưởng huy động là 2,6%) và chi phí tín dụng giảm. Nếu đạt kỳ vọng của SSI Research, lợi nhuận 6 tháng của BIDV có thể chạm ngưỡng 10.000 tỷ đồng.
Ngoài những mã kể trên, sắc xanh còn hiện diện tại một số mã ngân hàng như LPB (+0,7%), KLB, STB (+0,4%), SSB (+0,3%), VPB (+0,2%). Sáu mã đứng giá tham chiếu gồm có HDB, ACB, NVB, VBB, NAB, SGB.
Chung xu hướng với thị trường, thanh khoản của nhóm ngân hàng tiếp tục ở mức thấp. Trong đó, STB dẫn đầu toàn ngành với gần 9,3 triệu cp được giao dịch khớp lệnh trực tiếp, kế đến lần lượt là VPB (7,4 triệu cp), LPB (6,3 triệu cp), SHB (6,3 triệu cp), MBB (3,6 triệu cp).
Đối với giao dịch của khối ngoại, nhóm này mua ròng mạnh tại LPB với hơn 1,4 triệu đơn vị. VCB và CTG cũng được ''gom'' thêm với khối lượng đạt lần lượt gần 345.000 và 316.000 đơn vị.
Đáng chú ý, nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục mua ròng 214.000 cổ phiếu OCB, đưa tỷ lệ sở hữu lên sát trần cho phép (22%). Trước đó, khối ngoại cũng đã ''gom'' gần 150.000 cổ phiếu OCB trong phiên giao dịch 25/7. Với tỷ lệ sở hữu hiện ở mức 21,8%, khối ngoại chỉ còn được mua thêm hơn 3,5 triệu cổ phiếu này.
Tương tự, khối ngoại cũng mua ròng tổng cộng gần 305.000 cổ phiếu HDB trong hai phiên đầu tuần. Qua đó, nâng tỷ lệ sở hữu nước ngoại tại HDBank lên gần 343,2 triệu đơn vị, tương đương 17% cổ phần. Từ ngày 9/6, HDBank đã giảm "room" ngoại từ 21,5% xuống còn 18%, điều này đồng nghĩa khối ngoại còn được mua thêm hơn 21,7 triệu cổ phiếu HDB mới kín ''room''.