Theo CTCK Vietcombank (VCBS), lãi suất huy động và cho vay dự báo sẽ không có nhiều thay đổi trong nửa đầu 2018 mà chỉ chịu một số áp lực tập trung vào cuối năm như: tăng trưởng tín dụng ở mức khá; hay FED tiếp tục chính sách thắt chặt tiền tệ khiến sức hấp dẫn của VND có thể giảm so với USD.
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, mục tiêu ổn định mặt bằng lãi suất ở mức thấp hợp lý để hỗ trợ tăng trưởng của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có thể đạt được với một số điều kiện: lạm phát trong tầm kiểm soát, không quá 3,5%; tỷ giá và thị tường ngoại hối ổn định; và dòng tiền nước ngoài vào Việt Nam tiếp tục được duy trì giúp NHNN chủ động điều tiết cung tiền và thanh khoản một cách hợp lý khi cần thiết.
NHNN có thể cân nhắc tiếp tục giảm nhẹ một số lãi suất điều hành, bao gồm cả lãi suất thị trường mở. Trong khi đó, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng nhìn chung sẽ ở mức thấp và có thể có những biến động tăng trong ngắn hạn theo yếu tố mùa vụ, đặc biệt là vào dịp Lễ Tết hoặc đáp ứng nhu cầu giải ngân của Ngân sách trong ngắn hạn.
VCBS dự báo mặt bằng lãi suất nửa đầu 2018 sẽ chỉ biến động nhẹ quanh mức cuối năm 2017, trong biên độ 20 điểm cơ bản và trần lãi suất đối với các kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng trong các điều kiện thuận lợi có thể giảm nhẹ. Tuy nhiên, đối với nửa cuối năm mặt bằng lãi suất có thể chịu áp lực nếu các điều kiện cần là lạm phát hay tỷ giá có những biến động.
Nhìn lại 2017, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay giữ ổn định. Áp lực tăng lãi suất huy động và cho vay chủ yếu xuất hiện hồi đầu năm. Tuy nhiên có thể thấy các mức điều chỉnh lãi suất huy động và cho vay của các ngân hàng trong giai đoạn này không quá lớn mức điều chỉnh nhỏ mỗi lần chỉ quanh 10 điểm cơ bản và không tạo ra các đợt chạy đua lãi suất
Ngân hàng Nhà nước có định hướng và chính sách xuyên suốt nhằm đảm bảo mục tiêu mặt bằng lãi suất ổn định ngay khi lãi suất huy động chịu áp lực tăng. Cụ thể, NHNN đã yêu cầu rà soát với các tổ chức tín dụng (TCTD) khi đầu năm một số đơn vị phát hành Chứng chỉ tiền gửi với lãi suất cao. Đồng thời, NHNN cũng đưa tín hiệu chính sách rõ ràng với quyết định hạ lãi suất điều hành vào tháng 7 và đưa ra dự thảo sửa đổi Thông tư 06 giãn tiến độ thực hiện Thông tư 36 sửa đổi giúp áp lực huy động hạ nhiệt đáng kể.
Kết thúc tháng 11, mặt bằng lãi suất cho vay khá ổn định, phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 6%-6,5%/năm đối với ngắn hạn và 9%-10,5%/năm đối với trung và dài hạn. Lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường ở mức 6,8%-9%/năm đối với ngắn hạn; 9,3%-11%/năm đối với trung và dài hạn.
Đối với nhóm khách hàng tốt, tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch, lãi suất cho vay các kỳ hạn ngắn từ 4%-5%/năm. Đối với lãi suất huy động, tính đến cuối tháng 11, lãi suất huy động các kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng phổ biến trong khoảng 4,8% - 5,5%/năm, từ 6 tháng đến dưới 12 tháng trong khoảng 5,5% - 7%/năm, từ 12 tháng trở lên trong khoảng 6,5% - 8%/năm.