Theo Dự thảo sửa đổi, điều kiện kinh doanh dịch vụ đòi nợ phải có mức vốn điều lệ tối thiểu đối với ngành nghề kinh doanh dịch vụ đòi nợ là 2.000.000.000 đồng. Cùng đó, điều kiện về tiêu chuẩn đối với người quản lý, giám đốc chi nhánh của DN kinh doanh dịch vụ đòi nợ chưa từng bị kết án, phải có trình độ học vấn từ đại học trở lên thuộc một trong các ngành: Kinh tế, quản lý, pháp luật, an ninh.
Dự thảo cũng quy định về tiêu chuẩn và điều kiện đối với NLĐ hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ này như sau: Người lao động được tuyển dụng theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc hợp đồng lao động có xác định thời hạn từ sáu tháng trở lên; có trình độ học vấn từ trung cấp trở lên thuộc một trong các ngành: Kinh tế, quản lý, pháp luật, an ninh.
Trong một văn bản góp ý của VCCI mới đây đã đề nghị bỏ những quy định trên do chưa hợp lý và có thể sẽ cản trở việc gia nhập thị trường của doanh nghiệp. Theo VCCI, về bản chất không nhận thấy bất kỳ đặc thù nào về trình độ chuyên môn của hoạt động kinh doanh này so với các ngành, nghề kinh doanh thông thường nào khác, mối quan hệ giữa chủ nợ và DN đòi nợ được xác lập trên cơ sở các thỏa thuận tư.
Những rủi ro phát sinh từ hoạt động đòi nợ, như DN đòi nợ không trả lại số tiền nợ đã đòi được từ con nợ cho chủ nợ, thì sẽ được giải quyết tranh chấp trên cơ sở hợp đồng của hai bên.
VCCI cũng đặt câu hỏi, tại sao DN kinh doanh dịch vụ đòi nợ lại phải đáp ứng yêu cầu về vốn pháp định và nếu không có đủ nguồn vốn này thì các lợi ích công cộng nào sẽ bị tác động... Cùng đó là nhiều khoản nợ có thể lớn hơn rất nhiều con số 2 tỉ đồng. Vì vậy, việc áp đặt điều kiện về vốn ban đầu của DN kinh doanh dịch vụ đòi nợ là chưa hợp lý, cản trở việc gia nhập thị trường của DN.