Chính phủ đã ban hành Nghị định 65/2022 (gọi tắt là Nghị định 65) để bổ sung, sửa đổi Nghị định 153/2020 (gọi tắt là Nghị định 153) quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.
So với Nghị định 153, Nghị định 65 thắt chặt quy định về phát hành trái phiếu với những ý chính được trình bày trong bài báo cáo. Trong báo cáo mới công bố, Chứng khoán Bản Việt (VCSC) nhận định: “Nghị định 65 cung cấp khuôn khổ pháp lý sửa đổi cho việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp tại Việt Nam, mà chúng tôi cho rằng sẽ hỗ trợ sự phục hồi hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp sau nhiều tháng đình trệ.
So với Nghị định 153, Nghị định 65 thắt chặt quy định đối với cả tổ chức phát hành và nhà đầu tư mua trái phiếu. Nghị định 65 yêu cầu tổ chức phát hành phải nêu rõ mục đích của đợt phát hành trái phiếu và trái phiếu phát hành nên gắn với một kế hoạch, dự án đầu tư cụ thể, đồng thời đưa ra các yêu cầu khắt khe hơn đối với việc công bố thông tin của tổ chức phát hành trái phiếu”.
Về phía nhà đầu tư, VCSC nhận thấy rằng Nghị định 65 nâng cao trách nhiệm của nhà đầu tư và nhằm nâng cao nhận thức về rủi ro khi đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp. Nghị định 65 tăng mệnh giá tối thiểu của trái phiếu doanh nghiệp và tăng yêu cầu đối với nhà đầu tư cá nhân để được chứng nhận là “nhà đầu tư chuyên nghiệp” để đảm bảo rằng các nhà đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp có đủ năng lực tài chính và chuyên môn trong lĩnh vực đầu tư.
“Chúng tôi cho rằng mặc dù việc thắt chặt các quy định đối với việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ có thể có một số tác động tiêu cực đến hoạt động trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong ngắn hạn (như các tổ chức phát hành yếu kém có thể cần thêm thời gian để chuẩn bị kế hoạch phát hành trái phiếu và số lượng của các nhà đầu tư có thể được xác nhận là nhà đầu tư chuyên nghiệp có thể bị hạn chế), nghị định này sẽ hỗ trợ sự phát triển lành mạnh của thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong dài hạn. Diễn biến này có thể sẽ có lợi cho các công ty có chiến lược kinh doanh dài hạn trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp”, báo cáo nêu.
Trong đó, VCSC chỉ ra một số thay đổi đáng chú ý, liên quan đến:
(i) Mục đích phát hành trái phiếu (Nghị định mới 65 thắt chặt việc công bố thông tin hơn đối với đơn vị phát hành);
(ii) Mệnh giá phát hành tăng 1.000 đơn vị giúp đảm bảo năng lực các đơn vị tham gia trên thị trường trái phiếu;
(iii) bổ sung các trường hợp mua lại trước hạn (trong khi nghị định cũ không có quy định) từ đó bảo vệ tốt hơn nhà đầu tư cũng như ngăn chặn được vi phạm trong quá trình triển khai;
(iv) siết chặt quy định về đối tượng tham gia là nhà đầu tư chuyên nghiệp cũng như bổ sung các loại hồ sơ chào bán;
(v) siết chặt các báo cáo liên quan đến tình hình tài chính đơn vị phát hành, giúp làm tăng tính minh bạch và khả năng đánh giá rủi ro của nhà đầu tư đối với tổ chức phát hành;
(vi) định hướng rõ hơn và nâng cao trách nhiệm của nhà đầu tư mua trái phiếu, từ đó đảm bảo rằng họ hiểu các rủi ro của việc đầu tư trái phiếu và chịu trách nhiệm về các quyết định đầu tư của mình.