Dịch virus Corona (nCoV) sẽ ảnh hưởng chi tiêu không thiết yếu/xa xỉ, Chứng khoán Bản Việt (VCSC) bày tỏ quan điểm. Với giả định dịch CoV sẽ đạt đỉnh trước cuối quý 1 và phần lớn các hoạt động kinh sẽ dần bình ổn trong quý 2/2020, VCSC cho rằng tác động của dịch nCoV đối với thu nhập và tâm lý người tiêu dùng sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu mua sắm cả xe ô tô và xe máy. Theo đó, dự phóng doanh số ngành xe máy sẽ đi ngang trong năm 2020, sau đó tăng trở lại vào năm 2021.
Ghi nhận bởi Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM), doanh số bán xe máy của Việt Nam giảm 3,9% trong năm 2019, tuy nhiên, doanh số xe máy của Honda đi ngang khi công ty gia tăng thêm thị phần. VCSC cho rằng mức giảm doanh số ngành là tạm thời và chủ yếu đến từ chu kỳ thay thế xe máy.
Tuy nhiên, do dịch nCoV, việc phục hồi doanh số ngành xe máy sẽ diễn ra chậm hơn vào năm 2021 thay vì năm 2020, dự phóng doanh số xe máy của Honda sẽ tăng 1% trong năm 2020 và ghi nhận CAGR 3% trong giai đoạn 2020-2022 nhờ gia tăng thị phần.
Song song, tăng trưởng doanh số ngành xe ô tô sẽ giảm tốc trong năm 2020. VCSC ước tính tăng trưởng doanh số xe du lịch tại Việt Nam đã chững lại còn 10% trong quý 4/2019 so với mức 25% trong quý 3/2019. Do việc hạ nhiệt này và dịch nCoV, đơn vị này giảm giả định tăng trưởng ngành xe du lịch trong năm 2020 từ 20% còn 9%.
Ở khía cạnh khác, với ngành ô tô Chứng khoán BSC nhận định tích cực giữa đại dịch do sản lượng sản xuất ô tô toàn cầu đang trong tình trạng dư cung, trong đó nhiều nhà sản xuất lớn tập trung ở Trung Quốc (GM, Ford, Honda Mortor). Do lo ngại dịch bệnh, các doanh nghiệp đang trì hoãn hoạt động sản xuất, việc này có thể làm giảm bớt sự cạnh tranh do dư cung của ngành, các nước lân cận trong khu vực có thể hưởng lợi từ việc này. BSC cũng hy vọng các doanh nghiệp có sẵn lượng hàng tồn kho hợp lý sẽ có kết quả kinh doanh khả quan trong ngắn hạn. Tuy nhiên việc suy giảm sức cầu trong trung hạn lại khiến ngành chịu áp lực.
Trong đó, Tổng Công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam - CTCP (UpCOM) được dự báo sẽ bị tác động tiêu cực lên lợi nhuận nếu dịch nCoV kéo dài. Dù kỳ vọng các công ty liên kết ô tô của VEA sẽ tăng trưởng cùng với ngành xe du lịch – nhờ thương hiệu mạnh; tương ứng doanh số xe ô tô của Honda/Toyota lần lượt tăng 4%/8% trong năm 2020 và ghi nhận CAGR đạt 14%/14% trong giai đoạn 2020-2022. Ngược lại, doanh số xe thương mại của Ford sẽ hạ nhiệt trong năm 2020 do Nghị định 10/2020/NĐ-CP mới có thể ảnh hưởng phân khúc minibus. Trong khi đó, dự báo sản lượng bán ra của Ford tăng 14% trong năm 2020 (so với mức 31% trong năm 2019), cao hơn tăng trưởng chung của ngành, nhờ vị thế của Ford trong mảng xe SUV vốn tăng trưởng nhanh.
Về VEAM Corp, đây là một doanh nghiệp nhà nước chuyên sản xuất máy móc nông nghiệp. Tuy nhiên, phần lớn lợi nhuận đến từ các công ty liên kết dẫn đầu trong lĩnh vực sản xuất xe máy và ôtô tại Việt Nam, bao gồm Honda Việt Nam, Toyota Việt Nam và Ford Việt Nam. Năm 2019, Công ty ghi nhận 4.495 tỷ doanh thu, giảm hơn 36% so với cùng kỳ. Tương tự câu chuyện những năm gần đây, dù doanh thu giảm song nhờ ghi nhận phần lãi lớn từ công ty liên doanh, liên kết với hơn 7.126 tỷ khiến Công ty đạt lãi ròng 7.351 tỷ đồng, vẫn tăng trưởng so với năm 2018. Hiện tại, VEAM là đơn vị nắm giữ 30% cổ phần Honda, 20% cổ phần Toyota, 25% cổ phần Ford và đây cũng là nguồn lợi nhuận chủ yếu của công ty trong nhiều năm qua. Ngoài ra, nắm giữ phần lớn tiền mặt cũng mang về cho VEAM nguồn doanh thu tài chính dồi dào (thông qua lãi tiền gửi).
Hàng loạt các doanh nghiệp chung tay phòng chống dịch và bảo vệ nhân viên, khách hàng, bạn có thể theo dõi trên mục Doanh nghiệp hành động trong chiến dịch Lá chắn virus Corona trên mạng xã hội Lotus tại đây