Bất chấp làn sóng Covid-19 lần thứ 4 bùng phát trong cộng đồng, GDP của Việt Nam vẫn tăng trưởng 6,61% trong quý II/2021 và 5,64% trong nửa đầu năm 2021 so với mức tăng 1,82% trong nửa đầu năm 2020 và 6,77% trong nửa đầu năm 2019.
Trong đó, khu vực công nghiệp/xây dựng ghi nhận mức tăng trưởng cao nhất 8,36% trong 6 tháng đầu năm 2021, tăng 2,91% trong cùng kỳ năm 2020. Đáng chú ý, ngành sản xuất/chế biến/chế tạo đã ghi nhận mức tăng 11,42% - mức tăng cao thứ 2 trong cùng kỳ giai đoạn 2012-2021 (6 tháng đầu năm 2018 tăng 12,87%), đóng góp 51,4% trong tăng trưởng GDP.
Các biện pháp giãn cách cách xã hội được áp dụng ở nhiều tỉnh/thành phố đã tác động lớn đến khu vực dịch vụ. Tuy nhiên, khu vực này vẫn ghi nhận tăng trưởng 3,96% trong 6 tháng đầu năm 2021 (so với mức tăng 0,46% trong cùng kỳ năm 2020).
Khu vực nông/lâm/ngư nghiệp chỉ tăng trưởng 3,82% trong 6 tháng đầu năm 2021 nhưng kết quả này vẫn là mức tăng cao nhất trong cùng kỳ giai đoạn 2012-2021.
Tuy nhiên, trong báo cáo đánh giá triển vọng kinh tế vĩ mô của Trung tâm nghiên cứu của Công ty chứng khoán Việt Capital (VCSC), các chuyên gia phân tích đã giảm kỳ vọng tăng trưởng GDP năm 2021 từ 6,7% xuống 5,5% do lo ngại sự gia tăng của các ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng ở các tỉnh phía Nam, đặc biệt là ở TP. Hồ Chí Minh, có thể dẫn đến những biện pháp giãn cách cao hơn và sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế quý III/2021. Thế nhưng, các chuyên gia đã giả định tình hình dịch bệnh sẽ được kiểm soát trong quý III/2021.
Bên cạnh đó, VCSC đánh giá tốc độ tiêm chủng tại Việt Nam sẽ nhanh hơn trong nửa cuối năm và sự phục hồi kinh tế toàn cầu đang diễn ra sẽ giúp hạn chế tác động tiêu cực đến nền kinh tế. Và ngành sản xuất/chế biến/chế tạo của Việt Nam sẽ tiếp tục được hưởng lợi từ sự phục hồi mạnh mẽ của kinh tế toàn cầu.
Song, theo VCSC, dự báo trên sẽ khó xảy ra trong trường hợp diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 kéo dài sang quý IV/2021 hoặc các biện pháp giãn cách cách xã hội được thực hiện trên toàn quốc để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.
Nguồn: VSVC
Các chuyên gia phân tích cũng cho rằng tốc độ phục hồi của doanh thu bán lẻ sẽ chậm đi do bị ngăn cản bởi số ca nhiễm Covid-19 gia tăng. Nửa đầu năm 2021, tổng doanh thu bán lẻ tăng 4,9% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tháng 6/2021 đã giảm 6,6% so với tháng 6/2020 do các biện pháp giãn cách xã hội ở nhiều khu vực trên cả nước. Việc Chỉnh phủ nỗ lực tăng cường các biện pháp giãn cách xã hội nhằm kiểm soát các ca nhiễm Covid-19 gia tăng ở các tỉnh miền Nam có thể tiếp tục ảnh hưởng đến tiêu dùng trong nước đến cuối quý III/2021.
Trong khi đó, hoạt động thương mại phục hồi mạnh trong 6 tháng đầu năm 2021 nhờ nhu cầu toàn cầu tăng. Theo ước tính của Tổng Cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu của Việt Nam trong 6 tháng năm 2021 ước đạt 157,6 tỷ USD và 159,1 tỷ USD. Do đó, nếu nhu cầu toàn cầu vẫn sẽ tiếp tục phục hồi mạnh mẽ thì có thể thúc đẩy hoạt động thương mại trong nửa cuối năm 2021.
Được biết, ngân sách nhà nước ghi nhận thặng dư 3,5 tỷ USD trong 6 tháng 2021 do thu ngân sách tăng mạnh và giải ngân đầu tư công chậm. Theo Bộ Tài chính, thu ngân sách Nhà nước đạt 775 nghìn tỷ đồng trong 6 tháng 2021. Trong khi đó, chi ngân sách Nhà nước giảm, đạt 694,4 nghìn tỷ đồng do giải ngân cho đầu tư phát triển đến cuối tháng 6 chỉ mới hoàn thành 29,02% kế hoạch năm 2021 (so với mức 33,04% trong cùng kỳ 2020).
Lạm phát bình quân 6 tháng 2021 ở mức thấp nhất trong 6 năm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 0,19% so với tháng trước và 2,41% so với cùng trong tháng 6/2021. CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2021 tăng 1,47% so với cùng kỳ, mức tăng thấp nhất cùng giai đoạn kể từ năm 2016. Với số dư quỹ bình ổn giá xăng dầu còn khá thấp, ước tính vào khoảng 300 tỷ đồng tính đến cuối tháng 6/2021, giá dầu thô toàn cầu gia tăng có thể ảnh hưởng đến lạm phát trong nửa cuối năm 2021. Tuy nhiên, lạm phát hiện vẫn đang được kiểm soát tốt. Do đó, VCSC dự đoán lạm phát bình quân sẽ ở mức 3% trong năm 2021.