Theo báo cáo Giá dầu thô toàn cầu tăng mạnh gây áp lực lên lạm phát của Chứng khoán Bản Việt (VCSC) vừa công bố, giá dầu thô toàn cầu tăng mạnh gần đây sẽ tiếp tục gây áp lực lên lạm phát trong tháng 3. Tuy nhiên, giá lương thực, thực phẩm/hàng ăn/dịch vụ ăn uống có thể giảm sau tháng Tết sẽ hỗ trợ làm giảm áp lực lạm phát.
Các chuyên gia của VCSC ước tính, lạm phát bình quân năm nay ở mức 3%, năm 2023 ở mức 4,5%.
Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2 tăng 1% so với tháng trước và 1,42% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu là do giá xăng dầu bán lẻ trong nước và nhu cầu tiêu dùng gia tăng trước Tết. Lạm phát bình quân 2 tháng đầu năm tăng 1,68% so với cùng kỳ năm trước, vẫn là mức tăng CPI thấp thứ hai trong cùng giai đoạn kể từ năm 2017 (chỉ cao hơn mức giảm 0,14% trong 2 tháng đầu năm 2021).
Điểm sáng đáng chú ý đến từ chỉ số PMI của Việt Nam cho thấy đà phục hồi ổn định của ngành sản xuất. Theo IHS Markit, Chỉ số Nhà Quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam đã tiếp tục tăng lên 54,3 điểm trong tháng 2 - mức cao nhất kể từ tháng 4/2021. Kết quả tích cực này chủ yếu là do đơn hàng mới và sản lượng tăng mạnh khi đều đạt mức cao nhất trong 10 tháng qua.
Trong khi đó, Chỉ số Sản xuất Công nghiệp (IIP) tháng 2 tăng 8,5% so với cùng kỳ năm ngoái với IIP của ngành sản xuất/chế biến chế tạo tăng 10% so với cùng kỳ năm trước. Trong 2 tháng đầu năm 2022, IIP tăng 5,4% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó IIP sản xuất/chế biến chế tạo tăng 6,1%.
Lượng đơn hàng xuất khẩu tăng cao và hoạt động thu mua nguyên liệu gia tăng báo hiệu hoạt động sản xuất sẽ tiếp tục duy trì tích cực trong những tháng tới. VCSC nhận định, đơn hàng xuất khẩu mới tăng mạnh có thể sẽ tiếp tục hỗ trợ số liệu kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong những tháng tiếp theo.
- Nguồn cho các dữ liệu thể hiện trong bảng, VCSC dự báo
- Thâm hụt ngân sách và nợ công theo ước tính của Bộ Tài chính
- Dự báo tăng trưởng tín dụng 2021-2023 cho các ngân hàng trong danh mục theo dõi của VCSC
Liên quan đến tỷ giá USD/VND, báo cáo VCSC khẳng định, các tín hiệu của Fed về lộ trình tăng lãi suất trong tương lai cũng như diễn biến của các sự kiện địa chính trị tạo ra một số áp lực lên tỷ giá USD/VND. Mặc dù vậy, các chuyên gia vẫn kỳ vọng việc giải ngân vốn FDI ổn định và xuất khẩu cải thiện sẽ hỗ trợ cho diễn biến của VND.
Đáng chú ý, VCSC vẫn giữ nguyên dự báo tăng trưởng GDP năm 2022, ở mức 7,8%. Năm 2023, kinh tế Việt Nam dự báo tăng trưởng 7%.