Mặc dù vậy, thị trường vẫn chưa đạt được sự đồng thuận để bứt phá ra khỏi mốc 1.200 điểm khi mà nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục duy trì đà bán ròng do lợi suất Trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm vẫn có xu hướng gia tăng, tác động xấu đến thị trường chứng khoán toàn cầu.
Điểm lại tháng 3
Tính từ đầu tháng 3 cho tới nay, ngoại trừ phiên mua ròng ngày 25/3, khối ngoại bán ròng ở tất cả các phiên với giá trị lũy kế đạt gần 11.000 tỷ đồng. Áp lực bán của họ vẫn tập trung mạnh vào các mã như VNM HPG, POW, CTG, VCB, VHM…
Kết quả, VN-Index chỉ vượt nhẹ qua mốc 1.200 điểm trong phiên ngày 18/3 rồi quay đầu giảm trở lại về cận dưới của kênh tích lũy tại 1.150 điểm dưới sức ép của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn trong rổ VN30. Các chỉ số như VNMidcap, VNSmallcap dù vẫn cho thấy diễn biến tốt hơn VN-Index nhưng cũng có sự điều chỉnh giảm cùng với thị trường chung.
Hiện VN-Index đang đóng cửa ở mức 1.162,21 điểm, thấp hơn 1 chút so với mức điểm đóng cửa của tháng 2. Hi vọng rằng, điểm số của VN-Index sẽ được cải thiện trong tuần tới để chỉ số này có một tháng 3 tăng điểm.
Dự báo thị trường
Theo quan điểm của CTCP Chứng khoán Bản Việt (VCSC), hiện tại chỉ số VN-Index đang có sự giằng co ở cận dưới kênh xu hướng 1.150-1.200 điểm kéo dài hơn 1 tháng qua. Yếu tố lịch sử vẫn ủng hộ thị trường tăng trong tháng 4 khi mà VN-Index có 6/10 năm tăng điểm trong tháng này với yếu tố hỗ trợ là mùa ĐHCĐ thường niên và kết quả kinh doanh quý 1 của các công ty niêm yết.
Tuy nhiên, việc khối ngoại bán ròng và những ca mắc COVID-19 mới trong cộng đồng có thể là những yếu tố tiêu cực tác động lên thị trường. Nếu mốc 1.150 điểm này bị vi phạm, xu hướng tăng điểm ngắn hạn của thị trường có khả năng bị phá vỡ. Ở kịch bản này, VN-Index có thể sẽ điều chỉnh xuống hỗ trợ thấp hơn ở vùng 1.100 điểm.
Tuy nhiên, nếu VN-Index có thể hồi phục trong những phiên tới và vượt lên trên 1.170 điểm, xu hướng tăng ngắn hạn sẽ được thiết lập lại với mục tiêu là 1.200 điểm hoặc cao hơn là 1.225 điểm.