Theo Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (VECOM), ước tính tốc độ tăng trưởng của ngành thương mại điện tử (e-Commerce) nước ta năm 2018 tăng hơn 30% so với năm 2017. Báo cáo e-Conomy SEA 2018 của Google và Temasek cũng ghi nhận, quy mô thị trường này năm 2018 là 9 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng trung bình giai đoạn 2015 - 2018 là 25% và có thể đạt 33 tỷ USD vào năm 2025.
Riêng giá trị giao dịch hàng hóa (GMV) của e-Commerce tại Việt Nam dự đạt 4,6 tỷ USD trong năm 2019, so với mức 2,8 tỷ USD trong năm 2018. Nghiên cứu mới nhất của Google và Temasek tiếp tục dự báo GMV sẽ có mức CAGR lên đến 31% trong giai đoạn 2019 - 2025.
Với tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ của dịch vụ chuyển phát nhanh đi cùng sự bùng nổ của e-Commerce, mức độ cạnh tranh trên ‘chiến trường’ này ngày càng khốc liệt. Là doanh nghiệp bưu chính truyền thống lớn thứ hai Việt Nam, Viettel Post với động thái liên tiếp ra mắt ứng dụng gọi xe MyGo cùng nền tảng thương mại điện tử Vỏ Sò đang cho thấy sự chuyển mình đầy táo tạo trước thời thế: từ đơn vị hoạt động chính chuyển phát nhanh, phát hàng thu tiền hộ lấn sân sang e-logistics và công nghệ.
Theo lý giải của CEO Trần Trung Hưng, nếu coi dịch vụ bưu chính chuyển phát là xương sống trong hệ sinh thái của Viettel Post thì nền tảng Vỏ Sò sẽ là mạch máu để tạo nguồn hàng mua và bán, MyGo như chân tay để giao hàng nhanh tức thời. Khi người dùng phát sinh giao dịch trên Vỏ Sò, họ có 2 phương án lựa chọn: Viettel Post (nếu giao liên tỉnh) hoặc MyGo (nếu giao nội tỉnh).
Kế hoạch tích hợp ứng dụng crowdsourcing của MyGo và mảng chuyển phát hiện có đang đi đúng tiến độ
Ghi nhận bởi Chứng khoán Bản Việt (VCSC) sau buổi gặp gỡ mới đây, lãnh đạo Viettel Post cho biết đội ngũ tài xế của MyGo hiện đã đảm nhận 20% đơn hàng của Công ty trong tháng 9/2019 (Mygo được triển khai vào tháng 7/2019), giúp củng cố hiệu quả chi phí giao hàng chặng cuối.
Trong khi đó, theo dữ liệu từ SimilarWeb, lượng tài xế active hằng ngày (daily active drivers) trên Android của MyGo đã giảm từ khoảng 1.600 tài xế trong tháng 8/2019 còn khoảng 600 tài xế trong tháng 9/2019. VCSC cho rằng điều này là do Viettel Post ít đẩy mạnh hoạt động khuyến mãi; tuy nhiên, lượng tài xế active hằng ngày đã phục hồi trong tháng 10/2019, lên khoảng 800 tài xế sau khi phân bổ nhiều sản lượng hơn cho ứng dụng MyGo.
Nhìn chung, kế hoạch tích hợp ứng dụng crowdsourcing (thuê ngoài cộng đồng) MyGo và mảng chuyển phát hiện có của công ty đang đi đúng tiến độ, mặc dù số lượng tài xế suy giảm. VCSC kỳ vọng lượng tài xế active hằng ngày của MyGo sẽ tăng trở lại khi ứng dụng này chứng minh đang đem lại nguồn thu nhập ổn định cho tài xế.
Kết thúc 9 tháng đầu năm, doanh thu mảng dịch vụ của Viettel Post tăng mạnh đến 52% nhờ mạng lưới bưu cục rộng lớn và tiếp tục đầu tư vào công nghệ, giúp Công ty tận dụng đà tăng trưởng từ e-commerce.
Bên cạnh tăng trưởng doanh số, 2 mảng mới đang dần gây áp lực lên chi phí. Trong đó, chi phí bán hàng quý 3 của Viettel Post tăng từ 1 tỷ lên 11 tỷ đồng. Theo giới phân tích, nguyên nhân do tăng chi cho marketing 2 mảng mới Vỏ Sò và MyGo, khoản này dự sẽ giảm trong quý cuối năm. Đặc biệt, chi phí lao động tăng 123% so với cùng kỳ (cao hơn mức tăng 46% của doanh thu giao hàng), Công ty giải thích do một số nhân viên giao hàng part-time đã chuyển sang làm toàn thời gian kể từ quý 3/2019, dẫn đến tăng chi phí. Song song, chi phí lao động liên quan trực tiếp đến dự án MyGo cũng là một nguyên nhân khác, Viettel Post khẳng định chi phí lao động tăng là cần thiết, đây là một phần của chiến lược cạnh tranh dài hạn.
Nguồn vốn mới của đối thủ Scommerce đang gây áp lực lớn cho Viettel Post
Với tiềm năng của e-Commerce, Viettel Post có thể hưởng lợi từ việc mở rộng thị trường cùng khả năng giành thị phần từ các đối thủ. Song, như đã đề cập, Công ty sẽ phải đối mặt với áp lực cực kỳ lớn từ đối thủ cạnh tranh – khi các bên đều cho thấy những động thái quyết liệt.
Đáng chú ý có Scommerce, đơn vị này dự kiến tăng tốc kế hoạch mở rộng toàn quốc của mảng kinh doanh giao hàng (ví dụ, trung tâm chia chọn tự động, đội xe tải) cũng như nền tảng công nghệ và tự động hóa của Công ty.
Scommerce là công ty giao nhận tại Việt Nam, chuyên phục vụ nhu cầu vận chuyển của các đối tác thương mại điện tử trên toàn quốc. Scommerce được thành lập thông qua việc sáp nhập Giaohangnhanh (GHN), AhaMove và đơn vị giao nhận hàng hóa xuyên biên giới Gido. Bắt đầu từ năm 2012, GHN Express hoạt động và nhận được tài trợ từ Seedcom. Sau đó, hãng tiến hành mua lại Ahamove – một công ty khởi nghiệp giao hàng thương mại – và ra mắt thương hiệu GHN Logistics cung cấp các giải pháp hậu cần tích hợp.
Hiện, Scommerce có mạng lưới phủ sóng tại 63 tỉnh thành với 500 bưu cục, 1.500 điểm gửi hàng Vinmart+, Circle K. Hãng cũng đang hợp tác với 100.000 cửa hàng và doanh nghiệp, kể tên có nhiều thương hiệu lớn như Shopee, Tiki, Lazada, Juno, Vinamilk, Sendo... VCSC cho rằng diễn biến này sẽ làm suy giảm tương đối lợi thế cạnh tranh của Viettel Post về mặt độ phủ địa lý.
Chưa kể, Scommerce vừa công bố nhận được khoản đầu tư lớn từ Temasek, với giá trị dự kiến 100 triệu USD. Được biết, đây là khoản đầu tư tài chính lớn nhất đơn vị nhận được từ trước đến nay. Trước đó vào năm 2018, Scommerve cũng đã nhận một khoản tiền đầu tư (không được tiết lộ) từ công ty tư nhân Olympus Capital Asia. Như vậy, nguồn vốn mới của đối thủ Scommerce đang gây áp lực lớn cho Viettel Post, VCSC nhận định.
Trở lại với Viettel Post, để duy trì tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ trong bối cảnh thị trường cạnh tranh khốc liệt, Công ty chia sẻ đang có kế hoạch thay đổi tập trung cho các tỉnh/thành phố cấp 2 và cấp 3, thay vì thành phố cấp 1 như trong vài năm trước đây. Số lượng đơn hàng mỗi ngày tại các thành phố này ít hơn các thành phố lớn, nhưng khoảng cách xa hơn, nên vẫn có thể giữ được doanh thu vận chuyển trung bình.