Báo cáo của CTCP Chứng khoán Bản Việt về hoạt động kinh doanh của Tổng CTCP Bia – Rượu – NGK Sài Gòn (SAB) cho rằng ThaiBev sẽ tái cơ cấu thành công SAB và dự báo tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) EPS 20% trong giai đoạn 2018-2021 nhờ sự cải thiện về thị phần và biên LN.
VCSC đánh giá khả quan với SAB so với các công ty cùng ngành khi dự báo chung của Bloomberg cho thấy tăng trưởng EPS của các công ty khác trong ngành bia chỉ khoảng 1 chữ số.
Ngành bia Việt Nam ghi nhận tốc CAGR sản lượng 5,7% trong 5 năm qua nhờ CAGR 4,7% đối với lượng tiêu thụ đầu người và dự báo tăng trưởng 5%/năm đến năm 2022.
SAB là công ty bia lớn nhất Việt Nam, ghi nhận thị phần 43% năm 2018, với sản lượng bán 1,8 tỷ lít bia so với ước tính tổng lượng bia tiêu thụ tại Việt Nam là 4,2 tỷ lít. Thị phần của SAB đã giảm từ mức 45% trong năm 2015 do sự cạnh tranh từ phía đối thủ Heniken với thương hiệu chủ lực Tiger. Hiện Tiger đang chiếm ít nhất 2/3 phân khúc cận cao cấp tại thị trường bia Việt Nam, với thị phần phân khúc cao cấp chiếm khoảng 30% hiện tại so với mức dưới 20% năm 2011. Thu nhập của người dân cải thiện khiến khách hàng chi tiêu mạnh tay hơn.
Nguồn: VCSC
VCSC tin rằng ban lãnh đạo mới sẽ khai thác được nhiều giá trị cho SAB. Tổng Giám đốc, Giám đốc Tài chính và Giám đốc bán hàng hiện tại của SAB có quốc tịch Singapore với kinh nghiệm sâu rộng trong ngành bia, bao gồm các vị trí cấp cao trong quá khứ ở các công ty bia khu vực Châu Á – Thái Bình Dươn. Trong khi đó, Giám đốc marketing, Giám đốc chuỗi cung ứng và Giám đốc sản xuất đều là các chuyên gia hàng đầu trong nước. Những phương thức vận hành chuẩn mực quốc tế cùng sự am hiểu thị trường nội địa sâu sắc mà đội ngũ này mang lại sẽ giúp đánh thức gã khổng lồ đang ngủ quên SAB.
SAB sẽ tăng thị phần nhờ chiến lược thương hiệu và hoạt động marketing hiệu quả hơn, độ mới của sản phẩm tại điểm bán lẻ tốt hơn và năng lực bán hàng được cải thiện. Dựa theo số liệu từ Hiệp hội Bia - Rượu - NGK Việt Nam (VBA), VCSC dự phóng thị phần của SAB sẽ tăng từ 42,6% trong năm 2018 lên 45,5% trong năm 2021, được dẫn dắt bởi sản phẩm Saigon Special (CAGR sản lượng 15% dự phóng cho giai đoạn 2018-2021). Trong khi đó, nếu quá trình thoái vốn Nhà nước tại Habeco tiếp tục trì hoãn, Habeco và Carlsberg sẽ dần mất thị phần vào tay SAB và Heineken.
VCSC dự báo doanh thu mảng bia của SAB sẽ ghi nhận CAGR 9% trong giai đoạn 2018-2021, đến từ CAGR sản lượng 7% (so với giả định tăng trưởng của tổng thị trường 5%/năm) và giá bán trung bình tăng 2%/năm. Giá bán trung bình sẽ cải thiện nhờ sự đóng góp của Saigon Special (phân khúc cận cao cấp) gia tăng và tăng giá bán nhờ cải thiện sức mạnh thương hiệu.
VCSC dự phóng biên LN ròng của SAB sẽ tăng thêm 4,5% so với 2018 đạt 16,1% trong năm 2021 nhờ cải thiện giá bán trung bình cũng như các giải pháp tối ưu hiệu quả ở các khâu nguyên liệu thô, sản xuất, vận chuyển, phân phối, marketing cũng như chi phí quản lý.
Trong khi một số đối thủ như Heineken Vietnam, Heineken Malaysia và Carlsberg Malaysia có lợi thế tự nhiên về biên lợi nhuận nhờ tập trung hơn vào các phân khúc cao cấp, VCSC cho rằng một phần đáng kể của sự chênh lệch về biên lợi nhuận này đến từ sự thiếu hiệu quả trong hoạt động kinh doanh của SAB trong quá khứ.
VCSC ước tính biên lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh (EBIT margin) năm 2018 cho mảng bia của SAB, nếu loại bỏ thuế TTĐB ra khỏi doanh thu và giá vốn hàng bán, đạt khoảng 18% so với 20-37% của các công ty cùng ngành. Con số này sẽ tăng lên 24,5% trong năm 2021 nhờ giá bán trung bình tăng cũng như cải thiện hiệu quả hoạt động và quản lý chi phí trên tất cả các khía cạnh. Trên cơ sở báo cáo (tính chung cả thuế TTĐB liên quan đến sản lượng gia công mua từ các nhà máy bia liên kết), VCSC dự phóng EBIT margin mảng bia của SAB sẽ tăng từ 14% năm 2018 lên 20% trong năm 2021.
SAB có thể gặp khó khăn trong cạnh tranh với diễn biến Heineken đang nỗ lực mở rộng sang các tỉnh/thành phố cấp 2-3; tăng trưởng thị trường chung chững lại; quá trình tái cơ cấu diễn ra chậm hơn dự phóng.