Thị trường đã trải qua 2 tuần giao dịch đầu tháng 3 với điểm nhấn là việc các NĐTNN bán ròng mạnh mẽ. Tính từ đầu tháng cho tới nay, khối ngoại đã bán ròng ở tất cả các phiên với tổng giá trị xxx tỷ đồng, tập trung vào các cổ phiếu vốn hóa lớn như VNM, POW, CTG, HPG.
VCSC cho rằng, đà bán ròng của khối ngoại một phần chịu ảnh hưởng từ việc lợi suất trái phiếu chỉnh phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm có xu hướng tăng khá mạnh trong thời gian gần đây, thể hiện sự kỳ vọng của nhà đầu tư về lạm phát sẽ gia tăng khi kinh tế Mỹ hồi phục sau đại dịch Covid 19. Về lý thuyết, lợi suất trái phiếu gia tăng sẽ tỷ lệ thuận với tỷ suất sinh lời kỳ vọng với hoạt động đầu tư và qua đó hạ mặt bằng định giá của thị trường.
Mặc dù vậy, lực mua của nhà đầu tư trong nước cũng tỏ ra khá ổn định, giúp cho chỉ số VN-Index duy trì dao động trong biên độ từ 1150-1200 điểm trong nửa đầu tháng 3 bất chấp áp lực bán từ khối ngoại. Không những thế, một bộ phận dòng tiền đã dịch chuyển sang nhóm cổ phiếu vốn hóa thấp hơn, nơi ít có sự tham gia của khối ngoại để tìm kiếm lợi nhuận. Điều này giúp cho những VNMidcap, VNSmallcap, HNX-Index diễn biến tốt hơn VN-Index khi cùng nhau thiết lập mức cao điểm mới trong nhiều năm qua.
Các ngành diễn biến tốt hơn VN-Index gồm có nguyên vật liệu, công nghệ, tài chính trong đó đáng chú ý là nhóm ngành Thép, Dầu khí có những nhịp tăng mạnh do được ảnh hưởng tích cực bởi đà tăng của giá thép và giá dầu trên thế giới.
Tuy nhiên, trong những ngày gần đây, dòng tiền đã và đang có xu hướng quay trở lại với nhóm cổ phiếu dẫn dắt, đặc biệt là nhóm cổ phiếu Tài chính, giúp VN-Index đang dần quay trở lại với xu hướng tăng giá ngắn hạn.
Với diễn biến hiện tại của VN-Index, VCSC kỳ vọng chỉ số này có thể sẽ vượt qua kháng cự 1200 điểm vào nửa cuối tháng 3 để hướng lên vùng điểm mục tiêu quanh 1250 điểm. Dữ liệu thống kê từ năm 2010 cho thấy, nếu không tính năm 2020 VNI giảm do đại dịch Covid 19 thì tháng 3 thường là tháng tăng điểm của thị trường khi tăng 8 trong 10 năm từ 2010-2019.
Nguyên nhân là do đây là thời điểm NĐT thể hiện kỳ vọng đối với sự tăng trưởng của nền kinh tế nói chung hay KQKD của các công ty niêm yết nói riêng thông qua các con số trong mùa ĐHCĐ thường niên thường được tổ chức vào tháng 4-5 hàng năm. Đặc biệt trong năm 2021 này, khi dịch Covid 19 về cơ bản sẽ có thể được kiểm soát, nền kinh tế Việt Nam được được dự báo sẽ tăng trưởng mạnh sau khi chỉ tăng trưởng 2,91% trong năm 2020 - mức thấp nhất trong 10 năm qua.
Do đó, đối với chiến lược ngắn hạn, VCSC kỳ vọng những cổ phiếu liên quan đến các lĩnh vực có tiềm năng hồi phục tốt sau Đại dịch Covid như Dịch vụ Tài chính, Dịch vụ Hàng không, Bán lẻ, Sản xuất, Xây lắp – Bất động sản sẽ có diễn biến khả quan.