Dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp tại Tp.HCM, gây áp lực lên nền kinh tế nói chung và các doanh nghiệp nói riêng. Ghi nhận tại báo cáo từ Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), đến nay có hơn 60% doanh nghiệp trong các khu công nghiệp và khu chế xuất của Tp.HCM đã tạm ngừng hoạt động do biện pháp hạn chế dịch Covid-19. Trong khi đó, khoảng 30-40% doanh nghiệp tại các khu công nghiệp của các tỉnh lân cận (Long An, Bình Dương, Đồng Nai) phải tạm dừng hoạt động.
Đặc biệt, sau hơn một tháng triển khai mô hình sản xuất "3 tại chỗ", nhiều doanh nghiệp ở khu vực phía Nam đang gặp thách thức khi triển khai mô hình này do rủi ro lây nhiễm Covid-19 cao trong nhà máy cũng như gánh nặng chi phí gia tăng. Nhiều doanh nghiệp thời gian gần đây cũng có đề xuất thay thế phương án "3 tại chỗ", khi biện pháp này chỉ có tác dụng trong ngắn hạn, khi dịch kéo dài sẽ dẫn đến nhiều hệ luỵ.
Sự lây lan mạnh mẽ của Covid-19 và các biện pháp siết chặt của Chính phủ đã và đang phá vỡ kế hoạch chuyển hoạt động sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam của các công ty công nghệ và các nhà cung cấp chính của họ. Sự chuyển dịch sản xuất chậm lại có thể chỉ là tạm thời, song nó sẽ tác động không tốt đến sự phục hồi kinh tế trong ngắn hạn, VDSC nhấn mạnh.
Chưa kể, doanh nghiệp dự sẽ đối mặt tình trạng thiếu lao động và chi phí lao động ngày càng tăng khi đại dịch được kiểm soát trong những tháng tới. Ghi nhận trong làn sóng bùng phát nghiêm trọng lần thứ 4, nhiều doanh nghiệp đã phải đóng cửa hoặc ngừng hoạt động khiến hàng triệu công nhân mất việc làm.
Như vậy, vắc xin hiện nay đóng vai trò chủ chốt trong việc nối lại các hoạt động kinh doanh.
Nguồn cung vắc xin (hàng tháng, triệu liều)
DN hoạt động theo mô hình "3 tại chỗ" trong các KCN
Theo cơ quan chức năng của Tp.HCM, thành phố đã tiêm phòng cho khoảng 85% công nhân tại các khu công nghiệp và khu chế xuất. Bên cạnh đó, Tp.HCM đã chuẩn bị triển khai kế hoạch tiêm mũi đầu tiên cho 15% số công nhân còn lại trước ngày 15/9.
Thống kê bởi VDSC, tỷ lệ tiêm vắc xin cho công nhân tại các khu công nghiệp của các tỉnh lân cận thấp hơn nhiều so với Tp.HCM, khoảng 30 - 40% tổng số lao động. Các tỉnh khác ở Đồng bằng sông Cửu Long cũng có tỷ lệ tiêm chủng thấp hơn, cho thấy việc mở cửa trở lại sẽ không đồng đều giữa các tỉnh phía Nam.
Bên cạnh tỷ lệ tiêm chủng không đồng đều giữa các tỉnh, có một số khó khăn do đại dịch gây ra có thể ảnh hưởng đến triển vọng phục hồi.
Mặt khác, tính đến ngày 25/8, tổng số 16,1 triệu liều vắc xin đã được tiêm so với tổng số 23,9 triệu liều vắc xin đã được nhận. Dự kiến tiến độ phân phối và cung cấp vắc xin sẽ được thúc đẩy nhanh hơn vào tháng 9 và quý 4/2021.
Tính đến ngày 25/8, gần 5,6 triệu người, tương đương 76% người trưởng thành ở Tp.HCM đã được tiêm ít nhất một liều trong khi 3% trong số họ đã được tiêm chủng đầy đủ. VDSC kỳ vọng rằng việc tiếp tục tăng cường tiến độ tiêm chủng có thể giúp các hoạt động kinh tế trong thành phố dần mở cửa trở lại vào quý cuối năm.