Cụ thể, các chuyên gia VDSC nhận định nền trích lập dự phòng cao và tính tập trung của dư nợ khách hàng doanh nghiệp lớn dẫn đến dự báo lợi nhuận biến động. Chi phí tín dụng của ngân hàng này được duy trì trong khoảng 6-8 nghìn tỷ đồng mỗi quý vào năm 2021, so với 4-7 nghìn tỷ đồng năm 2020 và 3-6 nghìn tỷ đồng một năm trước đó. VDSC dự báo chi phí tín dụng là 26,2 nghìn tỷ đồng vào năm 2022 (giảm 11% so với cùng kỳ), tương ứng trung bình là 6-7 nghìn tỷ đồng mỗi quý. Xét hàng quý, nền trích lập dự phòng năm 2022 dự kiến sẽ ổn định so với năm 2021.
"Do BID có độ nhạy cảm cao với chi phí tín dụng, chúng tôi dự báo tăng trưởng lợi nhuận quý biến động cao và tăng mạnh trong suốt năm 2022", theo VDSC.
Về vấn đề nợ xấu, diễn biến bất ngờ ở cơ cấu các nhóm nợ có một phần nguyên nhân từ sự phục hồi trong hoạt động kinh doanh của khách hàng. Nợ xấu và các khoản nợ cơ cấu lại chiếm khoảng 2,9% cuối quý IV/2021, giảm so với mức 3,5% trong quý III/2021. Các chuyên gia VDSC nhận định tỷ lệ nợ xấu hình thành ròng trong quý vừa qua giảm do các khách hàng phục hồi được phân loại lại vào các nhóm nợ tốt hơn. Tính mùa vụ của xử lý rủi ro nợ xấu cũng hỗ trợ điều này. Kết hợp với mức trích lập dự phòng ổn định, tỉ lệ bao phủ nợ xấu cải thiện lên 219%.
Với BIDV, phân khúc khách hàng doanh nghiệp lớn chiếm hầu hết dư nợ cơ cấu. Do các doanh nghiệp có nhiều khoản vay trong một ngân hàng và mỗi khoản đều tương đối lớn so với khách hàng bán lẻ nên việc phân loại lại nhóm nợ của khách hàng doanh nghiệp luôn có tác động đáng kể đến tỷ lệ hình thành nợ xấu ròng.
Chứng khoán Rồng Việt cũng cho biết BIDV đã trích lập dự phòng đầy đủ cho các khoản nợ cơ cấu trong năm 2021. Điều này sẽ giảm bớt áp lực đối với chính sách trích lập dự phòng trong giai đoạn 2022-2023 trong bối cảnh kinh tế đang trên đà phục hồi. Dự kiến dư nợ cơ cấu sẽ giảm hơn một nửa từ mức cuối năm 2021. Tổng dư nợ được cơ cấu là 26 nghìn tỷ đồng năm 2021, giảm so với mức đỉnh trong năm là 33 nghìn tỷ đồng. Theo báo cáo phân tích, tỷ lệ hình thành nợ xấu ròng của BIDV năm 2022 cũng được điều chỉnh giảm để phản ánh việc chuyển nhóm tốt hơn của một số khoản nợ xấu.
Đánh giá triển vọng của ngân hàng này trong năm 2022 và 2023, bộ phận phân tích của VDSC cho biết nền tảng vốn chưa được cải thiện mạnh nhưng tăng trưởng lợi nhuận hàng đầu ngành sẽ là chất xúc tác.
Quy mô dự phòng là yếu tố chính ảnh hưởng đến lợi nhuận quý. Các chuyên gia kì vọng sự thay đổi trong quy mô dự phòng sẽ chiếm hơn 90% mức tăng trưởng lợi nhuận năm 2022. Tỷ trọng đóng góp giảm xuống còn hơn 60% vào năm 2023. Riêng biên chi phí tín dụng giảm sẽ giúp lợi nhuận trước thuế năm 2022 tăng 51% và năm 2023 tăng 9%.
Tuy nhiên, VDSC cũng bày tỏ mối lo ngại về vấn đề nguồn vốn. Trong trường hợp đợt phát hành riêng lẻ diễn ra vào năm 2023 và BIDV duy trì vốn cấp 2 bằng khoảng 50% vốn cấp 1 như đã định hướng, các chuyên gia dự báo hệ số CAR (Basel II) ở mức 9,6% vào cuối năm 2023, so với mức khoảng 9% hiện tại.
VDSC kì vọng BIDV sẽ trình kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2022 là 18,5-20,5 nghìn tỷ đồng trong ĐHCĐ sắp tới. Dự báo lợi nhuận trước thuế năm 2023 được điều chỉnh giảm xuống 23,9 nghìn tỷ đồng ( tăng 14% so với cùng kỳ).
Tăng trưởng lợi nhuận của BIDV được hỗ trợ bởi các yếu tố như hạn mức tăng trưởng tín dụng sẽ ổn định trong giai đoạn 2022-2023. "NIM sẽ cải thiện so với năm 2021 lên 7 điểm cơ bản vào năm 2022. Gói hỗ trợ lãi suất sẽ giảm quy mô, giúp giảm áp lực lên lợi suất cho vay. Tỷ lệ CASA dự kiến sẽ tăng nhờ gói miễn phí, đạt 21%. Thu nhập phí năm 2022 sẽ bị ảnh hưởng và giảm 8% so với cùng kỳ do thu nhập từ hoạt động thanh toán chiếm tỷ trọng lớn. Thu nhập từ thu hồi nợ xấu sẽ đi ngang so với năm 2021. Hệ số CIR sẽ tăng nhẹ trong giai đoạn 2022-2023." – các chuyên gia dự báo.