Tính đến giữa tháng 6/2018, tổng phương tiện thanh toán (M2) và huy động tiền gửi tăng 8% và 7,8%, cao hơn mức 5,7% và 5,9% trong cùng kỳ 2017.
Theo Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC), sự tăng trưởng mạnh của M2 rõ ràng nhằm hấp thụ lượng vốn đầu tư gián tiếp lớn đổ vào nền kinh tế trong thời gian qua. Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng chỉ đạt 6,4% so với mức 7,5% cùng kỳ năm trước.
Khoảng chênh lệch giữa tăng trưởng M2 và tín dụng cho thấy tình trạng dư thừa thanh khoản, qua đó giữ lãi suất cho vay qua đêm trên thị trường liên ngân hàng rất thấp. Sự chênh lệch giữa lãi suất cho vay qua đêm bằng đồng VND và USD trên thị trường liên ngân hàng đang tạo sức ép lên tỷ giá USD/VND. Mức chênh lệch âm giữa hai lãi suất kể trên đang thúc đẩy các nhà băng nắm giữ ngoại tệ. Điều này có thể tạo ra tình trạng đầu cơ và áp lực lên tỷ giá.
Hoạt động điều hành chính sách tiền tệ đã cải thiện rất nhiều trong 10 năm qua. Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích của VDSC cho rằng vẫn còn đó những bước điều hành "khá giật cục" trước sự thay đổi nhanh của thị trường tài chính.
Trong suốt 2 tháng qua, không quá khó để nhận ra việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đang hút dòng mạnh trên thị trường mở thông qua nghiệp vụ phát hành tín phiếu. Tuy nhiên, rất nhiều phiên đấu thầu thất bại trong nửa đầu tháng 6, qua đó góp phần giải thích hiện tượng lãi suất tín phiếu được điều chỉnh tăng và sự xuất hiện của các tín phiếu kỳ hạn 91 ngày.
"Vừa qua, Thống đốc NHNN, Lê Minh Hưng đã công bố dự trữ ngoại hối đạt 63,5 tỷ USD nhằm trấn an dư luận trước lo ngại về sự mất giá của tiền đồng. Theo quan điểm của chúng tôi, tiền đồng đang bị định giá cao khoảng 4-6% và việc đồng Nhân dân tệ liên tục mất giá trong thời gian qua đang tạo sức ép thực sự lên các nhà điều hành chính sách Việt Nam", VDSC cho biết.