Theo báo cáo chiến lược 2020 vừa công bố của Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC), sau nhiều năm thực hiện tái cơ cấu, các ngân hàng Việt Nam gần như đã xử lý xong nợ xấu (sau khi bán cho VAMC) phát sinh trong thời kỳ bong bóng tài sản (những năm trước 2012).
Thậm chí nhiều ngân hàng có tiềm lực mạnh đã tất toán trước hạn toàn bộ trái phiếu đã bán cho VAMC, chẳng hạn Vietcombank, Techcombank, MB, VIB, OCB, Nam A Bank, TPBank, Kienlongbank, VPBank, SeABank và Agribank.
Tăng trưởng lợi nhuận khả quan trong giai đoạn 2017-2019 của các ngân hàng, không chỉ nhờ chi phí dự phòng giảm mà còn nhờ tăng trưởng doanh số mảng dịch vụ với danh mục sản phẩm đa dạng hơn. Mặc dù các quy định gần đây của Ngân hàng Nhà Nước (NHNN) có thể hạn chế khả năng cải thiện NIM, các sản phẩm bán chéo sẽ thúc đẩy tăng trưởng thu nhập dịch vụ.
Các nhà phân tích của VDSC tin rằng các ngân hàng vẫn có thể đạt được mức tăng trưởng lợi nhuận ít nhất là 15%, đi cùng với sự cải thiện về ROE (tỷ suất sinh lời trên vốn). Các ngân hàng tư nhân có vẻ rẻ hơn các ngân hàng quốc doanh (SOBs) khi xem xét định giá dựa trên tài sản (PBR).
"Tuy nhiên, cho năm 2020, chúng tôi ưa thích các ngân hàng quốc doanh hơn bởi (1) Thị phần cho vay lớn và cơ sở khách hàng bán lẻ khổng lồ sẽ cho phép các ngân hàng này đẩy mạnh việc bán chéo sản phẩm tốt hơn, do đó tăng trưởng thu nhập dịch vụ cao, (2) Cơ hội củng cố vốn chủ sở hữu, thông qua giữ lại lợi nhuận hoặc phát hành thêm, một khi dự thảo sửa đổi Nghị định 126/2017/ND-CP và 32/2018/ND-CP được thông qua, và (3) Còn room sở hữu cho các nhà đầu tư nước ngoài" - báo cáo nhận xét.
Ngoài ra, VDSC còn nói "chúng tôi ưa thích BID hơn VCB ở thời điểm hiện tại". BIDV và Vietcombank là hai ngân hàng ấn tượng nhất trong năm 2020 khi liên tục ghi dấu ấn đậm nét trên thị trường thông qua các thương vụ M&A, kết quả kinh doanh cao kỷ lục và cả diễn biến giá cổ phiếu.
Trong khi đó, đối với các nhà đầu tư quan tâm đến tiềm năng tăng trưởng dài hạn cũng như hình ảnh của một ngân hàng tư nhân năng động, VDSC khuyến nghị xem xét VPB của VPBank.
Đà tăng trưởng của TTCK Việt Nam trong năm 2019 có sự đóng góp không nhỏ từ bộ đôi cổ phiếu ngân hàng VCB và BID khi cả 2 đều xác lập những đỉnh cao mới. Kết thúc phiên giao dịch 30/12, thị giá VCB đạt 91.000 đồng/cp, tương ứng vốn hóa 337 nghìn tỷ đồng (14,5 tỷ USD) và thị giá BID đạt 46.100 đồng/cp, tương ứng vốn hóa gần 186 nghìn tỷ đồng (8 tỷ USD). So với thời điểm đầu năm, vốn hóa VCB tăng 69% và vốn hóa BID tăng 39%.
VCB là ngân hàng có hiệu quả hoạt động hàng đầu Việt Nam với lợi nhuận trước thuế 9 tháng đạt 17.613 tỷ đồng, tăng 51% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, việc ký hợp đồng độc quyền 15 năm phân phối bảo hiểm với FWD cũng là yếu tố quan trọng hỗ trợ đà tăng trưởng của cổ phiếu. Theo thoả thuận này, VCB sẽ phân phối các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ của FWD. Nhiều nguồn tin cho rằng tổng số tiền FWD chi ra để hợp tác với VCB có thể lên tới 1 tỷ USD.
Với BID, đà tăng của cổ phiếu này trong năm 2019 đến từ câu chuyện hoàn tất thương vụ bán vốn cho đối tác KEB Hana Bank của Hàn Quốc. Theo đó, KEB Hana Bank đã mua hơn 603,3 triệu cổ phiếu BID với tổng giá trị hơn 20.295 tỷ đồng (giá bình quân 33.640 đồng/cp). Sau thương vụ này, vốn điều lệ BIDV lên 40.220 tỷ đồng và trở thành ngân hàng có vốn điều lệ cao nhất.
Bên cạnh đó, nhiều phân tích cho rằng BIDV đang có kế hoạch phát hành tiếp 10% cho nhà đầu tư tài chính nhằm giảm tỷ lệ sở hữu của Nhà nước xuống 65% sau 6 tháng kể từ thời điểm phát hành cho KEB Hana cũng hỗ trợ cho giá cổ phiếu.
Bảo Sơn