Nhắc đến những cổ phiếu bất động sản "làm mưa làm gió" trên thị trường thời gian qua chắc chắn không thể thiếu mã DIG của Tổng Công ty CP Đầu tư Phát triển Xây dựng. Chỉ sau hơn hai tháng, thị giá DIG đã bứt tốc ngoạn mục gấp 3,8 lần lên mốc 117.100 đồng/cp (phiên 7/1). Sau nhiều phiên tăng kịch trần, cổ phiếu DIG đã chính thức gia nhập câu lạc bộ "ba chữ số". Nếu so với mức đáy trong năm nay ở vùng giá gần 20.000 đồng, cổ phiếu DIG đã gấp gần 6 lần giá trị.
Bàn về đà tăng phi mã của cổ phiếu DIG, giới đầu tư cho rằng thương vụ đấu giá rúng động của Tập đoàn Tân Hoàng Minh tại Khu đô thị Thủ Thiêm (TP.HCM) đã bơm thêm liều "doping" khiến nhóm bất động sản tăng "phi mã" và DIG cũng không ngoại lệ. Thậm chí, nhiều nhà đầu tư còn lạc quan cho rằng DIG sẽ là một trong những cổ phiếu bất động sản "dẫn sóng" trong thời gian tới.
Trái ngược quan điểm trên, báo cáo mới đây của CTCP Chứng khoán Rồng Việt khuyến nghị nhà đầu tư nên bán cổ phiếu DIG vì định giá không còn hấp dẫn.
Thứ nhất, VDSC đánh giá DIG có quỹ đất lớn nhưng thời gian triển khai không chắc chắn, điều này sẽ càng làm chậm tiến độ giải phóng mặt bằng.
Cụ thể, DIG đang tập trung phát triển 7 dự án với tổng diện tích là 802 ha. Trong đó, 406 ha quỹ đất được đảm bảo, tương đương 51% tổng diện tích. Tuy nhiên, DIG đã chuyển nhượng một số dự án có vị trí tốt bao gồm Đại Phước (45 ha), cùng với việc hoàn thành bàn giao Gateway (2,3 ha) và bán hàng tại Nam Vĩnh Yên giai đoạn 1 và 2 (140 ha). Vì vậy, dự kiến quỹ đất sạch còn lại để phát triển ước tính vào khoảng 266 ha.
Tuy nhiên, VDSC có quan điểm thận trọng về tiến độ triển khai dự án của DIG ở các dự án lớn như Long Tân (Công ty đã triển khai khá chậm trong công tác GPMB). Dự án chiếm 40% tổng diện tích phát triển là 266 ha. Do đó, quỹ đất sạch để tiếp tục khai thác là tương đối khiêm tốn nếu so với tổng quy mô khai thác dự kiến là 802 ha.
Đặc biệt, giá đất nền tại khu vực Long Thành, Nhơn Trạch, Biên Hòa và Trảng Bom tăng 30-100% chỉ trong vài tháng. Do đó, VDSC cho rằng công tác giải phóng mặt bằng sẽ tiếp tục là rào cản cho DIG trong thời gian sắp tới tại các dự án lớn tại Vũng Tàu và Đồng Nai là Long Tân (332 ha) và Bắc Vũng Tàu (90,5 ha) do DIG chỉ mới đền bù tương ứng 33% và 10% cho các dự án nói trên.
Thứ hai, VDSC dự phóng tăng trưởng lợi nhuận sau thuế của DIG trong năm 2022 dự kiến sẽ thấp hơn so với năm 2021 do không có thu nhập đột biến.
Cụ thể, trong năm 2022, VDSC ước tính doanh thu và LNST của DIG lần lượt đạt 4.326 tỷ đồng và 1.282 tỷ đồng với đóng góp chính từ dự án Nam Vĩnh Yên do tiến độ bán dự án tốt khi DIG đã bán hết khoảng 2.400 lô đất của dự án này vào cuối năm 2021. Tuy nhiên, việc thiếu hụt thu nhập đột biến từ việc bán sỉ tại dự án Đại Phước dẫn đến kỳ vọng tăng trưởng chậm hơn vào năm 2022.
Ở mức giá hiện tại, định giá DIG không hấp dẫn với PB 2022 là 4,8 lần (cao hơn nhiều so với các công ty cùng ngành là 3,5 lần). Từ những luận điểm trên, VDSC định giá mục tiêu cho cổ phiếu DIG là 36.100 đồng/cp là hợp lý, tương đương mức giảm gần 70% so với giá trị hiện tại.