Theo số liệu công bố từ Tổng cục thống kê (GSO), tổng vốn đầu tư thực hiện từ Ngân sách Nhà nước (NSNN) chỉ đạt khoảng 6,7 tỷ USD trong 7 tháng đầu năm 2018, tương đương 44,5% kế hoạch năm. Trong giai đoạn 2015-2017, giải ngân đầu tư công có xu hướng giảm rõ rệt.
Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng, việc chậm giải ngân vốn đầu tư công là nguyên nhân trọng yếu dẫn tới khoản tiền gửi lớn của Kho bạc Nhà nước (KBNN) tại các ngân hàng thương mại. Điều này dẫn tới sự xáo trộn dòng chảy trong thị trường tài chính nói chung.
Cụ thể, tính đến cuối tháng 6/2018, khoản tiền gửi lớn của KBNN tại hệ thống ngân hàng thương mại có thể đã được chuyển về và cất giữ tại tài khoản của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Tại Vietcombank, số tiền gửi của KBNN đã giảm mạnh từ 171 nghìn tỷ đồng đầu năm xuống 72 nghìn tỷ đồng vào cuối tháng 6. Trong khi đó, số dư trên bảng cân đối kế toán của Vietinbank đã tăng gấp 3 lần lên mức 50 nghìn tỷ đồng. Nhìn chung, tiền gửi của KBNN tại các ngân hàng thương mại lớn đã giảm khoảng 60 nghìn tỷ đồng.
Ngoài ra, việc NHNN bán ra 2 tỷ USD nhằm can thiệp tỷ giá trong tháng trước cũng tác động mạnh tới nguồn cung tiền đồng trong hệ thống. "Trong thời gian gần đây, chúng tôi ghi nhận lãi suất cho vay qua đêm trên thị trường liên ngân hàng biến động rất mạnh. Lãi suất này đã tăng vọt lên mức 4,7%/năm trong thời gian ngắn trước khi điều chỉnh trở lại. Có lẽ, đây cũng là nguyên nhân cho việc NHNN can thiệp hỗ trợ thanh khoản thị trường thông qua công cụ thị trường mở (OMO)", VDSC nhận định.
Các chuyên gia của VDSC cho rằng, sự biến động số dư tài khoản tiền gửi của KBNN đã tác động mạnh mẽ tới thanh khoản hệ thống ngân hàng và thị trường tài chính. Một mặt, chưa có lý do đáng tin cậy nào có thể khiến gia tăng lượng tiền gửi này tại hệ thống ngân hàng thương mại một lần nữa.
Mặt khác, vẫn còn dư địa để kéo lượng tiền này ra khỏi hệ thống ngân hàng. Điều này có thể tác động tiêu cực tới thanh khoản thị trường tài chính khi lãi suất các kỳ hạn ngắn đều tăng mạnh trên thị trường liên ngân hàng.