Tháng 4/2022: Kinh tế Việt Nam khởi đầu quý 2 với nhiều tín hiệu khả quan
Các chỉ báo vĩ mô theo tháng đều cho thấy sự phục hồi kinh tế tiếp diễn trong tháng 4/2022. Hầu hết các lĩnh vực đều ghi nhận tăng trưởng tích cực và cải thiện so với cùng kỳ và tháng trước đó.
Cụ thể, lĩnh vực sản xuất công nghiệp vốn đang là trụ đỡ cho tăng trưởng ghi nhận mức tăng 9,4% so với cùng kỳ trong tháng 4/2022, cao hơn mức tăng 9,1% trong tháng 3. So với tháng trước, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng khoảng 2,0%, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo ước tăng 2,6%.
Những trụ cột tăng trưởng tập trung ở các nhóm ngành như sản xuất trang phục (tăng 8,3% so với tháng trước và tăng 20,5% so với cùng kỳ), sản xuất kim loại (tăng 7,7% so với tháng trước và 8,3% so với cùng kỳ), sản xuất hàng điện tử (giảm 5,7% so với tháng trước nhưng tăng 16,6% so với cùng kỳ).
Chỉ số dự báo sớm về triển vọng của hoạt động sản xuất công nghiệp cũng cho thấy sự tích cực với PMI duy trì ở mức 51,7 điểm trong tháng 4/2022. Đáng chú ý, sản lượng đã hồi phục sau khi giảm trong tháng 3 và đơn đặt hàng mới tiếp tục tăng dù tốc độ tăng đã chậm lại đáng kể, mức tăng thấp nhất trong vòng 7 tháng mở rộng liên tục.
Sự phục hồi của lĩnh vực tiêu dùng trong nền kinh tế dần trở nên rõ nét hơn. So với tháng trước, doanh số bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tháng 4/2022 ghi nhận tăng trưởng 3,1%, thấp hơn mức tăng 3,8% trong tháng 3/2022.
Tuy nhiên, xét trên cơ sở cùng kỳ, doanh số bán lẻ hàng hóa và dịch vụ đạt mức tăng trưởng 12,1%, trong đó, bán lẻ hàng hóa tăng trưởng 12,4%, dịch vụ lưu trú và du lịch lần lượt tăng 14,8% và 49,4% so với cùng kỳ.
Tính chung 4 tháng đầu năm, tăng trưởng doanh số bán lẻ hàng hóa và dịch vụ đã cải thiện đáng kể so với mức tăng trưởng của quý 1/2022, từ mức tăng 1,6% lên 4,3% (sau khi đã loại trừ yếu tố lạm phát).
Trong tháng 4/2022, động thái giảm thuế bảo vệ môi trường đối với giá xăng dầu đã giúp lạm phát tăng chậm lại hơn tháng trước. Theo đó, chỉ số giá tiêu dùng theo tháng chỉ tăng 0,18%, thấp hơn đáng kể so với mức tăng 0,7% của tháng 3 và 1,0% của tháng 2.
Tuy nhiên, do hiệu ứng mức nền thấp của cùng kỳ năm trước, chỉ số giá tiêu dùng tháng 4 tăng 2,6% so với cùng kỳ. Lạm phát bình quân 4 tháng đầu năm ở mức 2,1%, cao hơn 0,2 điểm % so với quý 1/2022. Tác động của giá xăng dầu lên các mặt hàng khác trong nền kinh tế cũng bắt đầu thể hiện rõ hơn qua chỉ số lạm phát lõi của tháng 4/2022.
Cụ thể, lạm phát lõi tăng lần lượt 0,4% so với tháng trước và 1,5% so với cùng kỳ. Lạm phát lõi bình quân 4 tháng đầu năm vẫn ở mức thấp hơn 1%. Tuy vậy, áp lực lên lạm phát trong thời gian tới vẫn còn rất lớn gắn với tình trạng giá nguyên liệu tăng trên toàn cầu, gián đoạn chuỗi cung ứng và cầu tiêu dùng trong nước hồi phục.
Việt Nam ảnh hưởng như thế nào trước chính sách "Zero-Covid" của Trung Quốc?
Trong khi các nước trên thế giới đã nới lỏng chính sách kiểm soát dịch bệnh thì Trung Quốc tiếp tục theo đuổi chính sách "Zero-Covid" với các đợt phong tỏa kéo dài tại nhiều khu vực như Giang Tô, Cát Lâm, Quảng Đông, Thiểm Thiểm Tây và Thượng Hải – những khu vực đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng hàng hóa.
Chỉ số phong tỏa do Goldman Sachs tính toán (GS Effective Lockdown Index – ELI) cho thấy đợt phong tỏa hiện tại của Trung Quốc nghiêm ngặt hơn cả thời điểm phong tỏa vào tháng 2/2020. Tác động đầu tiên là hoạt động vận tải hàng hóa và hàng hóa ứ đọng tại các cảng nằm trong khu vực phong tỏa.
Theo số liệu mới nhất của Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS), chỉ số quản trị mua hàng trong tháng 4/2022 đã giảm xuống còn 47,4 điểm, đánh dấu mức giảm tháng thứ 2 liên tiếp. Ngoài ra, chỉ số PMI phi sản xuất dùng để đo lường hoạt động trong lĩnh vực xây dựng và dịch vụ cũng giảm mạnh, từ mức 48,4 điểm trong tháng 3/2022 còn 41,9 điểm.
Đây đều là mức thấp nhất được ghi nhận kể từ tháng 2/2020, thời điểm đại dịch Covid-19 vừa mới bắt đầu. Cũng theo Goldman Sachs, chuỗi cung ứng của các ngành chịu ảnh hưởng tiêu cực nhất trong đợt phong tỏa gần đây là hóa chất, phương tiện vận tải và sản phẩm gỗ.
Tuy nhiên, rủi ro phong tỏa kéo dài sẽ tác động lên việc sản xuất và vận chuyển thêm nhiều mặt hàng khác nữa. Các nhà quan sát Trung Quốc nhận định chính sách phong tỏa có thể sẽ chưa được nới lỏng cho đến giữa tháng 5/2022 hoặc thậm chí là tháng 6/2022 do nhà điều hành vẫn tiếp tục theo đuổi mục tiêu "Zero-Covid".
Đánh giá tác động của chính sách "Zero-Covid" của Trung Quốc đối với Việt Nam, các chuyên gia của VDSC nhìn nhận sẽ có ảnh hưởng ở hai khía cạnh.
Thứ nhất, Trung Quốc là nước cung ứng nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất lớn nhất cho Việt Nam, nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc chiếm hơn 33% tổng nhập khẩu (2021). Việc gián đoạn chuỗi cung ứng do chính sách phong tỏa từng phần tại Trung Quốc nhiều khả năng sẽ ảnh hưởng đến triển vọng nhập nguyên liệu, làm chậm trễ thời gian giao hàng từ đó ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất trong nước.
Như vậy, tốc độ tăng trưởng của lĩnh vực sản xuất có thể chậm lại trong thời gian tới nếu phong tỏa kéo dài tại Trung Quốc. Đổi lại, mức nền thấp của năm trước và sự phục hồi của nhu cầu tiêu dùng trong nước, cơ hội thúc đẩy đầu tư công trong nửa cuối năm vẫn đang là cơ sở để tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt được mục tiêu của Chính phủ.
Thứ hai, Việt Nam xuất khẩu khoảng 17% lượng hàng hóa sang Trung Quốc (2021), việc nhiều tổ chức hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc chỉ còn khoảng 4,5% so với mức mục tiêu là 5,5% hàm ý nhu cầu tiêu dùng của thị trường lớn này sẽ suy giảm. Theo đó, sự phục hồi tăng trưởng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc có thể sẽ gặp khó khăn trong các tháng tiếp theo.