Báo cáo mới đây của công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) về triển vọng ngành gạo trong năm 2020 cho biết, ngành gạo Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn do diện tích gieo trồng lúa sẽ bị thu hẹp.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến tháng 10 năm 2019, cả nước có 7,47 triệu ha đất trồng lúa, diện tích này thấp hơn 92.300 ha so với tháng 10 năm 2018. Dự kiến trong các năm tiếp theo, đất trồng lúa sẽ tiếp tục giảm thêm 500.000 ha. Phần diện tích đất sụt giảm sẽ được sử dụng cho các mục đích khác như nuôi trồng thủy sản hoặc trồng cây ăn trái nhằm giảm áp lực ngành gạo khi sản lượng sản xuất hiện đang cao hơn nhu cầu tiêu thụ. Căn cứ vào năng suất của 10 tháng đầu năm 2019, VDSC dự kiến tổng sản lượng gạo sản xuất trong năm 2020 sẽ vào khoảng 41,5 triệu tấn ( giảm 6,7% so với cùng kỳ năm).
Bên cạnh đó, Philippines và Trung Quốc có thể giảm lượng gạo nhập khẩu. Bộ Nông nghiệp Philippines (DA) đã thông báo chấm dứt điều tra áp dụng biện pháp tự vệ đối với mặt hàng gạo nhập khẩu vào Philippines. Tuy nhiên, họ vẫn có thể sử dụng các biện pháp khác được cho phép bởi Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và ASEAN để tác động đến tổng lượng gạo nhập khẩu.
Trong khi đó, Bộ Nông nghiệp Mỹ dự báo dự trữ gạo của Trung Quốc vẫn sẽ duy trì như mức đầu vụ 2019/2020. Vì vậy, nhiều khả năng Trung Quốc sẽ không tăng sản lượng gạo nhập khẩu từ Việt Nam. Ngoài ra, Trung Quốc đang xu hướng tăng lượng gạo nhập khẩu từ Campuchia. Thực tế, lượng gạo xuất khẩu của Campuchia vào thị trường Trung Quốc đã tăng 44% trong 9 tháng đầu năm nay, theo Xinhuanet.
Ngoài ra, giá gạo được dự báo nhiều khả năng sẽ giảm trong năm 2020. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam cho rằng nhu cầu gạo hiện đang giảm dần. Thực tế, các quốc gia khác đã và đang cơ cấu lại nền nông nghiệp để từ đó nâng cao khả năng tự cung cấp và đáp ứng phần nào nhu cầu lương thực nội địa. Đồng thời, Việt Nam đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm các đối tác nhập khẩu mới.
Tuy nhiên, bên cạnh những khó khăn, ngành gạo Việt Nam vẫn còn một số dấu hiệu tích cực. Theo đó, gạo ST25 của Việt Nam giành giải quán quân gạo ngon nhất thế giới, vượt qua gạo Thái Lan và gạo Campuchia. Đây là cơ hội để Việt Nam cải thiện hình ảnh sản phẩm gạo trên thị trường thế giới.
Trong năm 2019, Thái Lan đã phải đối mặt với rất nhiều khó khăn do tình hình hạn hán kéo dài làm giảm sản lượng gạo. Vì vậy, Singapore, quốc gia đang nhập khẩu 30 - 40% gạo từ Thái Lan, hiện đang cân nhắc đa dạng hóa nguồn cung ứng gạo. Hiện tại, bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam đã lên kế hoạch tiếp cận thị trường này nhằm tận dụng lợi thế giao thương thuận lợi giữa hai nước vốn cùng khu vực Đông Nam Á.
Trong khi đó, Nhật Bản cũng mong muốn đa dạng hóa nguồn nhập khẩu gạo do hiện tại đang phụ thuộc khá nhiều vào nguồn cung từ Mỹ. Do đó, Nhật Bản đang tìm kiếm các nhà cung cấp khác thuộc các quốc gia đã ký kết Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), trong đó có Việt Nam.
Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO), sản lượng gạo trên toàn thế giới đã không có nhiều sự thay đổi do nguồn cung vẫn duy trì ở mức 427,83 triệu tấn trong 10 tháng đầu năm 2019, giảm 0,83% so với cùng kỳ năm ngoái. Về giá cả, giá gạo Japonica tăng 3,9% trong khi giá những loại gạo khác đồng loạt giảm. Nhìn chung, giá gạo năm 2019 đã giảm 1% so với cùng kỳ năm trước.
Theo Tổng cục Hải quan Việt Nam, 10 tháng đầu năm nay, cả nước đã xuất khẩu được 5,506 triệu tấn gạo, chiếm 14,6% tổng sản lượng. Thực tế, hoạt động xuất khẩu gạo đã tăng 6,1% về khối lượng (chủ yếu đến từ sự gia tăng nhập khẩu từ Philippines) nhưng giảm 9,1% về giá trị do giá xuất khẩu giảm. Philippines là thị trường xuất khẩu lớn nhất khi họ nhập khẩu 1,943 triệu tấn gạo, chiếm 35,3% tổng lượng xuất khẩu. Về giá, giá gạo xuất khẩu trung bình tính đến tháng 10 năm 2019 là 435,6 USD/tấn, giảm 13,4% so với cùng kỳ năm ngoái.