Tăng trưởng GDP quý 3/2022 cao kỷ lục
Trong báo cáo chuyên đề mới nhất của mình, các chuyên gia của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam quý 3/2022 ghi nhận mức cao kỷ lục do dựa trên mức nền thấp của quý 3/2021. Vào thời điểm này, kinh tế Việt Nam chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch Covid-19 khiến GDP sụt giảm 5,8%.
Sang đến năm 2022, GDP quý 3 tăng trưởng 13,7% so với cùng kỳ. Trong đó, lĩnh vực nông nghiệp tăng 3,2%, công nghiệp và xây dựng tăng 12,9% và dịch vụ tăng 18,9%. Mức tăng ghi nhận trong quý vừa qua cao hơn so với kỳ vọng trước đó của VDSC (10,5%) với sự phục hồi của lĩnh vực dịch vụ cao hơn nhiều so với dự báo.
Báo cáo của VDSC cho biết, tính chung 9 tháng, tăng trưởng GDP cả nước đạt 8,8% so với cùng kỳ, cao hơn đáng kể so với mức tăng 6,4% ghi nhận trong nửa đầu năm. Xét theo góc độ sử dụng GDP, chi tiêu dùng cuối cùng và chênh lệch xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ đóng góp lần lượt 3,9 điểm % và 3,3 điểm % vào tăng trưởng chung.
Trong khi đó, tích lũy tài sản chỉ đóng góp 1,6 điểm % vào tăng trưởng chung. Vì vậy, các chuyên gia của VDSC nhận định, tiêu dùng và xuất khẩu đang là động lực chính cho tăng trưởng.
VDSC nâng dự mức báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2022 lên 8,1-8,2%
Báo cáo của VDSC cho biết, trong tháng 9, lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo tăng trưởng 12,5% so với cùng kỳ và 3,3% so với tháng trước. Chỉ số PMI tháng 10/2022 tiếp tục mở rộng, ghi nhận ở mức 52,5 điểm, thấp hơn một chút so với mức 52,7 điểm ghi nhận trong tháng trước.
Tuy nhiên, các chuyên gia của VDSC cho rằng, động lực tăng trưởng của lĩnh vực sản xuất công nghiệp đang chững lại. Số liệu xuất nhập khẩu tháng 9 theo ước tính của Tổng cục Thống kê cũng giảm lần lượt 14,2% và 7,3% so với tháng trước.
"Điều này phản ánh bức tranh suy giảm tăng trưởng toàn cầu đang ảnh hưởng đến hoạt động thương mại của Việt Nam", báo cáo nhận định.
Trong cơ cấu hàng xuất khẩu, trong 8 tháng đầu năm 2022, động lực giúp tăng trưởng xuất khẩu đến từ các nhóm hàng có thế mạnh của Việt Nam như hàng điện tử, dệt may và máy móc thiết bị. Xét theo thị trường, tăng trưởng xuất khẩu đến Hoa Kỳ đóng góp 39% vào mức tăng trưởng chung, theo sau là thị trường EU và ASEAN.
Theo báo cáo của VDSC, mối lo ngại trong quý 4 có thể đến từ việc Fed tiếp tục thắt chặt hơn nữa chính sách tiền tệ dẫn đến sự thảo luận tăng lên về rủi ro suy thoái tại Mỹ. Ngoài ra, mối lo ngại cũng đến từ việc thị trường châu Âu nhiều khả năng sẽ xấu đi khi cuộc khủng hoảng năng lượng leo thang vào mùa đông.
Các chuyên gia của VDSC kỳ vọng tăng trưởng sản xuất công nghiệp và xuất khẩu sẽ chậm lại trong quý 4 nhưng mức độ suy giảm sẽ ở mức vừa phải. Đà tăng của khu vực dịch vụ nhiều khả năng cũng sẽ chững lại trong quý 4 với dấu hiệu ban đầu là sự suy giảm của lĩnh vực bán lẻ hàng hóa và vận tải.
Theo đó, báo cáo của VDSC dự báo tăng trưởng GDP quý 4 vào khoảng 6,3-6,7%, tăng trưởng GDP cả năm 2022 do đó ước khoảng 8,1-8,2%, cao hơn dự báo trước đó của VDSC là 7,3%.