Gần đây, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung tiếp tục leo thang khi Mỹ áp đặt mức thuế quan 10% lên 200 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Những thay đổi cơ bản trong chuỗi giá trị toàn cầu cũng như sự biến động của thị trường tài chính được xem như "stress-test" đối với sự ổn định vĩ mô của các nước mới nổi và đang phát triển.
Công ty chứng khoán Rồng Việt VDSC trong một báo cáo cập nhật vĩ mô gần đây, cho rằng, với Việt Nam, vẫn còn đó những rủi ro nội tại đáng báo động mặc dù sức kháng cự của nền kinh tế đối với các tác động từ bên ngoài đang được cải thiện nhờ cán cân vãng lai dương và nghĩa vụ trả nợ thấp tương đối so với tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ.
Điểm quan trọng nhất liên quan đến việc nền kinh tế Việt Nam vẫn chịu sự chi phối bởi tín dụng. Tỷ lệ cung tiền M2/GDP liên tục tăng qua các năm và hiện tại ở mức 163,7%, cao thứ hai so với các nước khác trong khu vực. Tỉ lệ này ở Indonesia và Philippines lần lượt là 40% và 67%. Do vậy, chu kỳ tín dụng vẫn quyết định quỹ đạo chuyển động của tăng trưởng kinh tế.
Tài chính tiêu dùng dự kiến sẽ tăng trưởng với tốc độ hai con số trong ba năm tới khi các hộ gia đình sẵn sàng tăng chi tiêu. Một mặt, sự phát triển này cho phép các cá nhân và hộ gia đình 'dưới chuẩn' tiếp cận dòng vốn tín dụng do đây cũng là cánh cửa để các ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính tăng biên lợi nhuận.
Mặt khác, nguy cơ nợ vượt khả năng chi trả sẽ xuất hiện khi tỷ lệ tiết kiệm quốc gia/GDP của Việt Nam chỉ đạt 24%, mức thấp nhất so với một số nước trong khu vực. Tỷ lệ tiết kiệm cao nhất được ghi nhận tại Trung Quốc (47%). Dựa trên số liệu hiện tại, nợ xấu của nền kinh tế vẫn tương đối cao trong khi trích lập dự phòng thấp.
Theo Nielsen, chỉ số niềm tin tiêu dùng của Việt Nam ghi nhận mức tăng cao nhất trong khu vực ASEAN. Chỉ số này đạt mức 124 điểm trong quý I/2018 từ mức 115 điểm. Người dân Việt Nam, sau khi tiết kiệm, ngày càng sẵn sàng chi trả cho các dịch vụ cao cấp như chăm sóc sức khỏe, du lịch, giáo dục,...