Hơn hai tuần nay, nhiều người đặt vé máy bay bức xúc vì giá vé “rẻ như cho” nhưng sau khi cộng thuế, phí thì số tiền phải trả quá cao.
Vô lý nhất là việc các hãng hàng không đồng loạt tăng phí quản trị hệ thống và tính vào tổng chi phí vé máy bay của khách.
Vé 0 đồng, phí hơn nửa triệu đồng
Ngày 25/5, Vietnam Airlines thông báo mở bán vé ưu đãi trên hầu hết các đường bay nội địa với mức giá chỉ 39.000 đồng/chặng ngắn và 99.000 đồng/chặng dài. Chương trình này kéo dài đến hết ngày 16/6. Tuy nhiên, khi chúng tôi đặt vé trên hệ thống bán vé trực tuyến của hãng, giá vé thực sự là 613.000 đồng/chặng ngắn, và 679.000 đồng/chặng dài. Riêng phí dịch vụ mà hành khách phải chịu lên đến 574.000/chặng, không còn ở mức trên dưới 400.000 đồng như trước đây.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, Vietnam Airlines Group - chủ quản của Vietnam Airlines, Pacific Airlines và VASCO - đã tăng phí quản trị hệ thống khách hàng trên tất cả các chuyến bay nội địa từ 350.000 đồng lên 450.000 đồng/chặng (đã bao gồm VAT) từ ngày 9/5/2021, cao hơn 100.000 đồng/chặng so với hồi tháng 4/2021.
Khách hàng không hài lòng với việc các hãng hàng không thông báo khuyến mãi giảm giá vé nhưng lại tăng các khoản thu khác - Ảnh: Q.Thái |
Các hãng bay khác cũng đã đồng loạt tăng loại phí này. Bamboo Airways tăng thêm 90.000 đồng/chặng cho nhóm khách lẻ và khách đoàn, áp dụng khi khách xác nhận đặt chỗ từ ngày 10/5/2021. Mức phí mới của hãng này là 410.000 đồng/chặng với khách lẻ và 460.000 đồng/chặng với khách đoàn. Một số hãng khác thu mức phí quản trị hệ thống thấp hơn, như Vietjet Air thu 250.000 đồng/chặng, Vietravel Airlines thu 310.000 đồng/chặng cho tất cả các đường bay nội địa.
Theo các hãng, việc tăng thu phí quản trị hệ thống là để chi trả cho việc duy trì hệ thống quản trị các dữ liệu liên quan đến hành trình của khách hàng; việc tăng phí phù hợp với thị trường, giúp nâng cao chất lượng phục vụ, đặc biệt là hệ thống bán vé được vận hành tốt hơn. Nhiều người thắc mắc, phí này là chi phí đương nhiên của hãng, sao lại bắt hành khách chịu. Chúng tôi đã liên hệ với các hãng hàng không điều chỉnh phí quản trị hệ thống để tìm câu trả lời nhưng chưa nhận được phản hồi.
“Việc bắt khách hàng đóng phí quản trị hệ thống giống như bắt người mua hàng trên một trang thương mại điện tử phải trả tiền để duy trì tên miền, quản lý đơn hàng của mình để được phục vụ tốt hơn. Chúng tôi phải trả loại phí mà đơn vị bán hàng (hãng bay) đương nhiên phải chịu” - hành khách Thái Việt, quê tỉnh Thái Bình, phản ánh với nhân viên một đại lý vé máy bay ở Q.Phú Nhuận, TPHCM.
Cảm giác thiếu minh bạch
Theo phó giáo sư - tiến sĩ Dương Anh Sơn (Khoa Luật kinh tế, Trường đại học Kinh tế - Luật), khách hàng buộc phải trả tất cả các khoản phí cấu thành giá vé khi dùng dịch vụ. Tuy nhiên, cách thu của các hãng hàng không hiện nay rất mù mờ, thiếu minh bạch. Họ tung ra giá vé rất rẻ nhưng khi khách hàng mua vé thì họ cộng thêm nhiều khoản phí. Điều này tạo cảm giác không minh bạch.
Luật sư Trần Đức Phượng (Đoàn Luật sư TPHCM) cho rằng: “Các hãng bay thường khoe hệ thống quản trị ngày càng tiên tiến, lẽ ra chi phí của khách hàng ngày càng thấp đi. Do vậy, việc các khoản phí ngày càng tăng là điều vô lý”.
Còn theo chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển, việc đưa các chi phí vào giá thành, làm tăng giá bán là quyền của các hãng bay. Điều cần làm rõ là có hay không chuyện các hãng bay bàn bạc với nhau để cùng đưa ra mức phí. Nếu có, đó là hành vi độc quyền nhóm. Còn nếu mỗi hãng tự tính toán để gia tăng phục vụ thì không vấn đề gì. “Hiện các hãng hàng không Việt Nam vẫn được xem là độc quyền nhóm tương đối chứ không phải cạnh tranh thị trường như các ngành nghề khác” - ông Hiển nói.
(Theo Phụ Nữ TP.HCM)