Chỉ còn 7 tháng nữa, giá điện gió ưu đãi khoảng 2.000 đồng/số sẽ kết thúc. Nhiều nhà đầu tư đang lo ngại không đạt được tiến độ này. Song, mức giá sau ngày 31/10/2021 là bao nhiêu đến nay vẫn còn chưa rõ khiến nhiều doanh nghiệp lo lắng.
Tiến độ chậm chạp
Báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) về tình hình phát triển điện gió tại Việt Nam cho thấy, đến thời điểm hiện nay, EVN đã ký hợp đồng mua bán điện với 113 dự án điện gió với tổng công suất là 6.038MW.
Số dự án đã vận hành thương mại là 12, với tổng công suất 582MW.
Số dự án tiếp tục đi vào vận hành thương mại trước 31/10/2021 là 87, với tổng công suất 4.432MW.
Số dự án không thể vận hành thương mại trước 31/12/2021 là 14 dự án, với tổng công suất 1.024MW.
Tuy nhiên, số liệu kể trên được đưa ra dựa trên các báo cáo của các nhà đầu tư. Trong đó, nhiều dự án điện gió hiện chưa giải tỏa xong mặt bằng nhưng vẫn khẳng định sẽ kịp tiến độ hưởng giá ưu đãi trước 31/10/2021.
Điện gió đang bước vào giai đoạn nước rút với nhiều khó khăn bủa vây. Ảnh: Lương Bằng |
Riêng ở Quảng Trị, tổng công suất các nguồn điện đã được phê duyệt quy hoạch của Quảng Trị là 4.724 MW. Theo tính toán của Sở Công Thương Quảng Trị, trong số 25 dự án được cấp chủ trương đầu tư, dự kiến chỉ có khoảng 16 dự án kịp vận hành trước tháng 31/10/2021. Các dự án khác dù nhà đầu tư cam kết sẽ hoàn thành, nhưng thực sự là “rất khó”.
Số lượng 16 dự án trên, theo Sở Công Thương, vẫn là “quá lạc quan”. Con số khả dĩ nhất được những chuyên gia trong ngành ước lượng từ thực tế thi công có thể vận hành để kịp hưởng giá ưu đãi là 8-10 dự án.
Một nhà đầu tư đang thực hiện 3 dự án điện gió ở Ninh Thuận, Đắc Lak cho biết, mục tiêu của công ty này là hoàn thành các dự án trước 31/10/2021, còn 7 tháng để triển khai. Nếu không kịp, dự án sẽ không được hưởng giá FIT theo Quyết định 39. Điều này sẽ phá vỡ phương án tài chính đã xây dựng, rủi ro về vốn, tín dụng. Đáng lo ngại là, việc đề nghị kéo dài giá FIT đến hết 2022 vẫn chưa được chấp thuận. Ngoài ra, mức giá sau 31/10 vẫn chưa có khiến nhà đầu tư vừa làm vừa lo.
Thực tế, điện gió thi công khó khăn, phức tạp hơn điện mặt trời nhiều. Việc Covid-19 bùng phát trên toàn thế giới khiến công tác mua sắm thiết bị, vật tư, chuyên gia đi/đến Việt Nam càng thêm khó khăn, khiến tiến độ thi công chậm trễ hơn nhiều so với kế hoạch. Ngay cả khi thiết bị đã cập cảng Việt Nam, việc vận chuyển các thiết bị siêu trường, siêu trọng này cũng không hề dễ dàng.
Thi công điện gió lại phụ thuộc khá nhiều vào điều kiện thời tiết, mỗi năm chỉ có 3 tháng gió lặng mới lắp được thiết bị và đảm bảo được các tiêu chuẩn và an toàn lao động khi thực hiện.
Vì thế, con số 4.432MW điện gió dự kiến vận hành trước 31/10/2021 là khá “lạc quan”. Theo tính toán của những người trong ngành, lượng điện gió có thể vận hành kịp mốc thời gian kể trên chỉ vào khoảng 2.000MW.
Các dự án điện gió đang lo chậm tiến độ để hưởng giá ưu đãi. Ảnh: Lương Bằng |
Cần đưa ra quyết định rõ ràng
Với tổng công suất nguồn là 582MW, điện gió hiện chiếm chưa đến 1% tổng công suất nguồn điện Việt Nam (gần 70.000MW). Điều này trái ngược hẳn với điện mặt trời.
Đến nay, theo dự thảo quy hoạch điện VIII, dự kiến công suất điện gió vào năm 2025 là 11.320MW. Từ mức 582MW, để đạt được con số kể trên không phải là dễ dàng. Trong khi đó, đối với năng lượng mặt trời, đến cuối năm 2020 công suất điện mặt trời đã vượt mức dự kiến cho năm 2025 theo dự thảo quy hoạch VIII.
Những chuyên gia trong ngành nhận định, điện gió được đánh giá là ổn định hơn nhiều so với điện mặt trời, hiệu quả cũng cao hơn, cho nên việc thúc đẩy nguồn năng lượng này là cần thiết. Khi đại dịch Covid-19 được đẩy lùi, nhu cầu sử dụng điện cũng sẽ tăng lên. Việc thừa điện ở một số thời điểm chỉ có tính ngắn hạn. Do đó cần chủ động tính toán xây dựng các nguồn điện, tránh tình trạng lo lắng thiếu điện như năm 2018, 2019.
Khi làm việc với UBND tỉnh Quảng Trị và Tập đoàn Điện lực Việt Nam, nhiều nhà đầu tư đã kiến nghị được kéo dài giá FIT sau 31/10/2021. Lãnh đạo EVN cho rằng đây là vấn đề thuộc thẩm quyền của Bộ Công Thương và Chính phủ.
Từ cuối năm 2020, Bộ Công Thương đã có văn bản đề xuất Chính phủ cho phép kéo dài thời điểm áp dụng cơ chế giá điện cố định cho các dự án diện gió tại Quyết định 39. Song, mức giá giảm dần so với Quyết định 39. Cụ thể, dự kiến giá điện gió trên bờ của dự án vận hành từ 11/2021-12/2022 là 7,02 Uscent/kWh; dự kiến giá điện gió của dự án vận hành trong năm 2023 là 6,81 Uscent/kWh. Dự án trên biển, dự kiến giá điện gió trong các giai đoạn tương ứng lần lượt là 8,47 Uscent/kWh và 8,21 Uscent/kWh.
Khi làm việc với các nhà đầu tư điện gió ở Quảng Trị, một lãnh đạo EVN đã hỏi: “Với mức giá dự kiến như trên, nhà đầu tư có làm được không?”. Đáp lại, một nhà đầu tư không trả lời thẳng làm được hay không mà nói rằng: Trước sức ép của tiến độ, giá thiết bị, thi công, xây dựng vận chuyển đều bị đội lên. Nhà đầu tư tính toán hiệu quả dự án trên cơ sở giá 2.000 đồng/kWh tại Quyết định 39.
Dù mức giá sau 31/10/2021 là bao nhiêu, có kéo dài thời gian áp dụng giá FIT hay không thì Chính phủ, Bộ Công Thương cũng cần sớm đưa ra quyết định chi tiết để nhà đầu tư chủ động tính toán được phương án đầu tư, tránh lặp lại “khoảng trống về giá” như đã từng xảy ra với điện mặt trời sau ngày 30/6/2019.
Lương Bằng