Dược Hậu Giang (HoSE: DHG) vừa công bố tài liệu ĐHĐCĐ thường niên 2019 với mục tiêu lãi ròng chỉ nhích nhẹ so với năm 2018. Chi tiết, Công ty dự kiến trình cổ đông chỉ tiêu doanh thu thuần 3.943 tỷ đồng, với 3.560 tỷ doanh thu hàng sản xuất. Tương ứng, LNTT chỉ tăng nhẹ 3% lên 754 tỷ đồng.
Năm 2019, Công ty dự kiến đẩy mạnh khai thác các dây chuyền đã đạt tiêu chuẩn PIC/s–GMP, Japan-GMP, đẩy mạnh nghiên cứu phát triển sản phẩm mới phục vụ thị trường nội địa, quốc tế. Hơn nữa là thực hiện các hoạt động chuyển giao công nghệ nhằm gia tăng cơ hội đấu thầu, nâng cao uy tín trong giới điều trị và tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu…
Kết thúc năm 2018, Dược Hậu Giang ghi nhận doanh thu thuần là 3.882 tỷ đồng, thực hiện 97% kế hoạch, giảm 4,4% so với thực hiện năm 2017. Trong đó, doanh thu hàng sản xuất tăng 3,8%, doanh thu hàng khác giảm 29,5% do ngừng kinh doanh hàng MSD (từ tháng 4/2018) và Eugica (từ tháng 6/2018) để thực hiện nới room. Kết quả, Công ty thu về lợi nhuận trước thuế 732 tỷ đồng, thực hiện hơn 95% kế hoạch.
Cũng năm qua, Dược Hậu Giang đã thực hiện hơn 20 dự án đầu tư máy móc thiết bị cho khối chất lượng, sản xuất, kỹ thuật và thực hiện các bảo trì sửa chữa định kỳ hàng năm với tổng mức đầu tư khoản 24,6 tỷ đồng.
Mới đây, Taisho đã chào mua thành công 20,6 triệu trong tổng số 28,3 triệu cổ phiếu chào mua công khai cổ phiếu Dược Hậu Giang. Theo đó, Taisho đã nâng lượng cổ phiếu nắm giữ lên gần 66,4 triệu đơn vị, tương đương tỷ lệ sở hữu 50,78%. Dược Hậu Giang như vậy chính thức trở thành công ty con của đơn vị Nhật Bản này.
Với mức giá chào mua là 120.000 đồng/cp, Taisho đã chi thêm 2.470 tỷ đồng để gia tăng sở hữu. Bên cạnh Taisho, SCIC cũng đang nắm giữ 43,3% cổ phần của Dược Hậu Giang.
Về Taisho, hiện là công ty có thị phần OTC (bán hàng trực tiếp qua nhà thuốc) khá lớn ở Nhật Bản, chiếm hơn 13,5% thị phần. Ngược lại, thị phần kênh ETC (bán hàng qua đấu thầu, bán buôn) của đơn vị này lại khá khiêm tốn với khoảng 1% thị phần. Giai đoạn 2016-2017, doanh thu lẫn thị phần Taisho có xu hướng giảm dần, nguyên nhân được biết do mảng thực phẩm chức năng và thuốc mọc tóc chựng lại, đồng thời chịu sự cạnh tranh gay gắt của các nhãn hàng khác. Tại Nhật Bản, hai dòng sản phẩm này ra đời rất sớm từ những năm 90s, đến nay bắt đầu bước vào thời kỳ bão hòa. Tuy nhiên, ở thị trường nước ngoài, các dòng sản phẩm này vẫn có nhiều dư địa phát triển, do đó Taisho tập trung phát triển tại những khu vực còn tiềm năng về ngành dược như: Việt Nam, Indonesia, Thái Lan, Đài Loan, Trung Quốc, Malaysia…