Chia sẻ tại ĐHĐCĐ thường niên 2019 mới đây, đại diện Nhựa Bình Mình (BMP) cho biết năm 2019 bối cảnh kinh doanh của Công ty vẫn còn nhiều khó khăn.
Năm 2019 đối mặt với khó khăn kép
Trong đó, với đa số khách hàng lớn hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, bất động sản; trong khi năm 2019 tín dụng cho địa ốc sẽ siết chặt, đi cùng nhiều rào cản trong việc cấp phép dự án mới, Nhựa Bình Minh như vậy sẽ bị ảnh hưởng đáng kể.
Mặt khác, mặc dù chiếm thị phần lớn nhưng Nhựa Bình Minh đang phải đối mặt với tính cạnh tranh khốc liệt từ các đối thủ hiện tại cũng như nhiều đơn vị mới gia nhập. Khi mà, thị trường hiện đang trong tình cạnh cung vượt cầu, doanh nghiệp theo đó theo đuổi chính sách giảm giá và đưa ra mức chiết khấu cao để cạnh tranh.
Được biết, áp lực cạnh tranh từ nhiều năm nay luôn là bài toán mà Nhựa Bình Minh phải đối mặt, đỉnh điểm là xuất hiện sự nhảy vào của đại gia ngành tôn Hoa Sen, cùng với nhiều ông lớn khác như Tân Á Đại Thành, Thuận Phát, Nhựa Tiền Phong… tích cực mở rộng năng lực sản xuất, hệ thống phân phối. Năm 2017, Nhựa Bình Minh cũng đã thông qua công tác tăng mạnh chiết khấu, đánh đổi lợi nhuận để giữ chân khác hàng, cũng như giành lấy thị phần trong bối cảnh thị trường ngày càng bị chia nhỏ. Giai đoạn này Công ty còn phải đối mặt với việc giá nguyên liệu đầu vào, đặc biệt là hạt nhựa PVC (chiếm đến 80% tổng giá vốn) tăng mạnh.
Kéo theo đó, mặc dù doanh thu vẫn tăng trưởng, tuy nhiên lợi nhuận gộp cũng như lợi nhuận sau thuế Nhựa Bình Minh suy giảm mạnh. Hiệu suất cũng đi xuống khi tỷ suất lợi nhuận gộp giảm từ mức 29% (năm 2016) chỉ còn 23% trong năm 2017, thậm chí năm 2018 giảm xuống còn 21%.
Năm 2018 cũng là năm ghi nhận sự thay đổi đáng kể của Nhựa Bình Minh, khi Tổng Công ty Kinh doanh và Đầu tư vốn nhà nước (SCIC) đã bán phần vốn nhà nước cho Tập đoàn The Nawaplastic Industries (Saraburi) của Thái Lan. Trong năm qua, Saraburi tiếp tục mua thêm cổ phần Nhựa Bình Minh để nâng tỷ lệ nắm giữ lên 54,39% vốn Công ty đồng thời giới thiệu nhiền nhân sự cho các vị trí chủ chốt Công ty, trong đó ông Sakchai Patiparnpreechavud đang là Chủ tịch Nhựa Bình Minh.
Năm nay, ông Poramate Larnroongroj sẽ thay thế nhân sự trước đó là ông Sumphan Luveeraphan, đảm nhiệm vị trí Thành viên HĐQT cho nhiệm kỳ 2018-2023. Ông Poramate Larnroongroj hiện cũng là Giám đốc Điều hành của Saraburi.
Quý 1 lãi trước thuế tăng nhẹ lên 114 tỷ, năm 2019 tiếp tục đánh đổi lợi nhuận nhằm giữ vững thị phần
Tham gia vào ban điều hành Nhựa Bình Minh trong bối cảnh kinh doanh doanh nghiệp đang đi xuống, Saraburi từng chia sẻ không chỉ đơn thuần dừng lại ở đầu tư tài chính mà sẽ hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng, đưa sản phẩm Nhựa Bình Minh ra thị trường nước ngoài. Năm qua, trước áp lực từ thị trường, chủ Thái dường như mong muốn giữ được biên lợi nhuận hơn là đánh đổi để có được thị phần. Tuy nhiên bước sang năm 2019, ông Nguyễn Hoàng Ngân – Tổng Giám đốc kiêm Phó Chủ tịch HĐQT khẳng định: "Trước sự xâm nhập của nhiều đối thủ cạnh tranh mới gia nhập ngành, Công ty do đó sẽ duy trì chính sách mức chiết khấu cao, chấp nhận lợi nhuận thấp hoặc rất thấp để giữ và giành thị phần".
Hiện, Saraburi chưa có kế hoạch cụ thể liên quan đến việc tăng tỷ lệ sở hữu tại Nhựa Bình Minh.
Năm 2019, Nhựa Bình Minh sẽ tiến hành thay đổi mô hình tổ chức, cấu trúc lại chức năng và bổ sung nhân sự mới, do đó ban lãnh đạo phân tràn Công ty cần thời gian để ổn định.
Với những luận điểm trên, năm 2019, Nhựa Bình Minh đặt kế hoạch khá thận trọng với doanh thu 4.300 tỷ đồng, tăng 4%, lợi nhuận sau thuế 432 tỷ đồng, tăng nhẹ 2%. Cổ tức dự kiến năm 2019 tối thiểu 20%.
Riêng quý 1/2019, doanh thu Nhựa Bình Minh vào khoảng 932 tỷ đồng, tăng 40,6% so với cùng kỳ; lợi nhuận trước thuế 114 tỷ đồng, tăng 8,6% so với cùng kỳ; sản lượng tăng 49,9%.
Giao dịch cp BMP 1 năm qua.