Sở GDCK Hà Nội vừa quyết định chấp thuận cho Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam – CTCP (VEAM) được đăng ký giao dịch 1.328.800.000 cổ phiếu trên Upcom với mã chứng khoán VEAM. Ngày giao dịch đầu tiên 2/7/2018. Giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 27.600 đồng/cổ phiếu.
Một số thông tin về VEAM
Tổng công ty Máy động lực và Máy Nông nghiệp được thành lập năm 1990 bao gồm 12 nhà máy cơ khí (7 nhà máy phía Bắc và 5 nhà máy phía Nam). Đến nay VEAM quản lý 3 đơn vị hạch toán phụ thuộc, 11 công ty con, 9 công ty liến kết và 1 viện nghiên cứu.
Năm 2002 Tổng công ty bắt đầu đa dạng hóa sở hữu bằng cách cổ phần hóa các đơn vị thành viên. Dấu mốc năm 2005 Tổng công ty xây dựng Nhà máy ô tô VEAM, và năm 2009 chiếc xe tải đầu tiên mang tên VEAM Motor được xuất xưởng. Hiện tại VEAM hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, cung cấp động cơ, máy nông nghiệp, ô tô xe máy vá các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ…
Tháng 8/2016 phiên IPO đưa hơn 167 triệu cổ phần VEAM đấu giá lần đầu ra công chúng diễn ra, có 149.493.500 cổ phần được bán với giá đấu thành công bình quân 14.291 đồng/cổ phần, mang về hơn 2.136 tỷ đồng.
Tổng công ty hoạt động theo hình thức công ty cổ phần từ tháng 1/2017 với vốn điều lệ ban đầu 13.288 tỷ đồng, tương ứng 1.328.800.000 cổ phần đăng ký giao dịch. Từ đó đến nay công ty chưa tiến hành tăng vốn điều lệ.
Cơ cấu cổ đông trước khi lên sàn của VEAM cũng khá cô đặc. Tính đến 9/4/2018 VEAM có 2 cổ đông lớn nắm giữ 94,47% VĐL trong đó Bộ Công thương sở hữu hơn 88,47% vốn, và Công ty TNHH Thương mại và Đầu tư Hòa An sở hữu 6% vốn.
Kết quả kinh doanh
Sau cổ phần hóa, riêng quý 1/2018 doanh thu công ty đạt 1.738 tỷ đồng, trong đó doanh thu hoạt động bán hàng chiếm trên 94%, đạt 1.635 tỷ đồng. Còn lại là doanh thu từ hoạt động xuất khẩu, vận tải và các hoạt động khác. Lợi nhuận sau thuế đạt trên 1.030 tỷ đồng.
Theo báo cáo, hiện nay VEAM đang tham gia liên doanh và sở hữu 20% vốn điều lệ tại Công ty Honda Việt Nam, 30% vốn điều lệ tại Công ty Toyota Việt Nam và 25% tại Công ty TNHH Ford Việt Nam, là những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất ô tô xe máy chiếm lĩnh thị phần hàng đầu Việt Nam. Riêng nguồn lợi nhuận được chia từ công ty liên doanh liên kết riêng quý 1/2018 đạt 1.059 tỷ đồng.
Trên BCTC hợp nhất quý 1/2018 của công ty thể hiện tính đến 31/3/2018 tổng cộng tài sản đạt 22.850 tỷ đồng. Nợ phải trả 4.241 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu 18.609 tỷ đồng trong đó vốn góp chủ sở hữu đạt 13.288 tỷ đồng. Ngoài ra VEAM có hơn 5.037 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối…
Trên BCTC hợp nhất kiểm toán giai đoạn sau cổ phần hóa từ 24/1/2017 đến 31/12/2017 của công ty kiểm toán viên nêu vấn đề cần nhấn mạnh về việc năm tài chính của Toyota bắt đầu từ 1/4 và kết thúc vào 31/3 năm sau trong khi công ty dùng kết quả báo cáo tài chính của đơn vị này dù chưa được kiểm toán và các công ty con do công ty nắm giữ 100% vốn cho năm tài chính kết thúc vào 31/12/2017 để hợp nhất vào BCTC hợp nhất của Tổng công ty.
Ngoài ra kiểm toán cũng nêu vấn đề về khoản công nợ phải thu khó đòi hơn 70 tỷ đồng của Agriculture Supply Co, Ltd do Tổng công ty tiếp nhận từ Công ty TNHH Động cơ và Máy nông nghiệp Miền Nam nhưng chưa bán được cho Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam và đã ghi nhận vào khoản LNST chưa phân phối dù đến thời điểm kiểm toán công ty vẫn chưa có quyết toán cổ phần hóa được duyệt.
Bên cạnh đó Tổng công ty còn đang ghi nhận khoản chênh lệch thiếu hàng tồn kho và tài sản cố định hữu hình giữa số liệu thực tế và số liệu kiểm kê lên đến hơn 5 tỷ đồng ghi nhận vào khoản mục "tài sản thiếu chờ xử lý".
Kế hoạch niêm yết trên HoSE ngay trong năm 2018
Dù vừa quyết định lên giao dịch trên Upcom, nhưng tại ĐHCĐ thường niên năm 2018 tổ chức vào 29/6 tới đây VEAM sẽ trình ĐHCĐ thông qua việc niêm yết cổ phiếu trên Sở GDCK Thành phố Hồ Chí Minh ngay trong năm 2018.
Như vậy nếu được chấp thuận và mọi thủ tục thuận lợi, VEAM sẽ ở lại sàn Upcom không lâu.