HĐQT Tổng Công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam - CTCP (VEAM, mã CK: VEA) vừa thông qua phương án tạm ứng cổ tức năm 2019 bằng tiền mặt với tỷ lệ 52,529% (1 cổ phiếu được nhận 5.252,9 đồng). Ngày chốt danh sách là 5/1/2021 và cổ tức sẽ được chi trả vào ngày 5/2/2021.
Như vậy, với gần 1,33 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, VEAM sẽ phải chi khoảng 6.980 tỷ đồng để trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu.
Hiện nay, cổ đông tổ chức lớn nhất của VEAM là Bộ Công Thương với tỷ lệ nắm giữ hơn 88,47% vốn điều lệ. Với tỷ lệ này, dự kiến Bộ Công Thương sẽ thu về hơn 6.175 tỷ đồng từ cổ tức.
Trước đó, trong đợt chi trả cổ tức năm 2018 bằng tiền hồi tháng 1/2020, VEAM cũng đã chia tỷ lệ khá cao là 38,84%, tương ứng chi hơn 5.158 tỷ đồng trả cổ tức.
Kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2020, VEAM ghi nhận doanh thu thuần đạt 2.668 tỷ đồng, giảm 20,4% so với cùng kỳ. Nhờ tiết giảm chi phí giá vốn nên lợi nhuận gộp tăng mạnh 113% so với cùng kỳ, đạt hơn 286 tỷ đồng. Phần lãi trong công ty liên doanh liên kết giảm mạnh 33,5% xuống gần 3.309 tỷ đồng nên mặc dù đã tiết giảm các khoản chi phí, lợi nhuận sau thuế 9 tháng đầu năm vẫn giảm mạnh 25,2% đạt 3.853 tỷ đồng.
Năm 2020 VEAM đặt mục tiêu doanh thu 1.171 tỷ đồng, tăng 71% so với kế hoạch 2019; lợi nhuận sau thuế là 6.741 tỷ đồng, giảm 4%. Như vây sau 9 tháng đầu năm, doanh thu VEAM đã cao gấp 2,3 lần kế hoạch nhưng mới hoàn thành được 57% mục tiêu kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Tính đến ngày 30/9, lượng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng của VEAM lên tới 17.672 tỷ đồng, tăng 832 tỷ so với đầu năm. Khoản lãi tiền gửi 9 tháng của VEAM lên tới hơn 739 tỷ đồng. Đáng chú ý, VEAM sử dụng rất ít nợ vay ngắn và dài hạn, chỉ ở mức 171,5 tỷ đồng, giảm 33,6% so với hồi đầu năm.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu VEA đã bứt phá mạnh trong thời gian gần đây. Kết thúc phiên giao dịch 23/12, thị giá VEA đạt 54.600 đồng/cp, tăng 29,4% so với đầu tháng 11 và hiện đang áp sát đỉnh lịch sử được thiết lập vào giữa năm 2019.