Sáng ngày 25/6, Tổng Công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam - CTCP (VEAM, mã chứng khoán: VEA) đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2021, thông qua kế hoạch Công ty mẹ với mức doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 1.116,1 tỷ đồng, gấp hơn 2,5 lần so với thực hiện năm 2020, trong đó doanh thu sản xuất công nghiệp đạt 573 tỷ đồng, tăng trưởng 37% và doanh thu thương mại dịch vụ dự kiến tăng gấp 22,5 lần lên mức gần 543 tỷ đồng. Doanh thu tài chính kỳ vọng đạt 6.290 tỷ đồng.
Tuy nhiên, bất chấp việc các khoản doanh thu dự kiến tăng, sau khi trừ đi chi phí, VEAM đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế giảm 19% so với cùng kỳ xuống mức 5.930 tỷ đồng. Khoản lợi nhuận mục tiêu này chưa tính trích lập dự phòng khoản phải thu là các khoản VEAM đã cho vay đối với các đơn vị có vốn góp của công ty.
Trong năm 2021, VEAM sẽ tập trung giải quyết các tồn tại vướng mắc, trọng tâm là công tác thu hồi công nợ, phương án giải quyết hàng tồn kho của nhà máy ô tô VEAM, phương án kinh doanh xe Changan và máy kéo ISEKI. Theo kế hoạch tái cơ cấu doanh nghiệp, Tổng công ty dự kiến thoái vốn ở một số đơn vị hoạt động không hiệu quả và không đóng góp nhiều vào định hướng phát triển như Matexim HN, Nakyco, Cơ khí Vinh, Vetranco…
Trả lời câu hỏi cùa cổ đông về tình hình hoạt động của ba mảng kinh doanh cốt lõi, Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc VEAM Phan Phạm Hà chia sẻ, với lĩnh vực động cơ và máy nông nghiệp, hiệu quả kinh doanh chưa cao, do đó VEAM đang tái cấu trúc theo hướng tăng cường hợp tác giữa các đơn vị. Hoạt động này bước đầu đã thể hiện sự hiệu quả khi công ty con SVEAM trong năm 2020 đã có lợi nhuận, các đơn vị trong lĩnh vực này cũng đã giảm lỗ.
Lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ hiện đang hoạt động có hiệu quả nhất, Tổng Công ty sẽ tiếp tục phát huy và tham gia sâu rộng hơn nữa vào chuối cung ứng toàn cầu. Ngoài ra, với lĩnh vực kinh doanh còn lại là ô tô tải, VEAM đang tìm kiếm và hợp tác với các đối tác chiến lược có thương hiệu manh, từ đó tạo nguồn cung cấp linh kiện và phụ tùng ổn định, tăng cường khai thác năng lực sẵn có của doanh nghiệp.
Trong năm 2020, việc tiêu thụ xe cụ thể là sản phẩm xe Euro 2 tại nhà máy ô tô VEAM không đạt kế hoạch đề ra. Tổng Công ty đã thực hiện giám định và thẩm định hàng tồn kho ở đây để làm cơ sở xây dựng phương án đẩy mạnh tiêu thụ xe Euro 2 tồn kho trong thời gian tới. Việc xử lý trích lập dự phòng giảm giá của hàng tồn kho trên đã hoàn thành và không có ý kiến kiểm toán ngoại trừ về nội dung này.
Bên cạnh đó, cập nhật thêm tình hình hoạt động tại các đơn vị liên doanh, ông Nguyễn Khắc Hải – Chủ tịch HĐQT VEAM cho biết, Ford Việt Nam đã hoàn thành giai đoạn 1 của kế hoạch nâng công suất nhà máy từ 14.000 xe/năm lên mức 40.000 xe/năm, hiện công suất nếu sản xuất 2 ca/ngày đã đạt 36/000 xe/năm. VEAM đến nay chưa nhận được yêu cầu góp thêm vốn từ đơn vị này.
Về phía Toyota Việt Nam và Honda Việt Nam, các liên doanh này mới vừa thực hiện việc nâng công suất nhà máy và chưa có kế hoạch mở rộng tiếp theo.
Tiếp tục thực hiện phương án niêm yết cổ phiếu bỏ dở hai năm qua, đề nghị điều chỉnh phương án thoái vốn nhà nước
Tại đại hội lần này, VEAM tiếp tục trình đại hội phương án niêm yết cổ phiếu trên sàn HNX hoặc HoSE và đề xuất ĐHĐCĐ ủy quyền cho HĐQT thực hiện các thủ tục liên quan khi đủ điều kiện niêm yết theo quy định của pháp luật. Trước đó, việc niêm yết này đã được đưa vào nghị quyết khá lâu, từ năm 2019, song đến năm 2020 vẫn chưa thể thực hiện do Báo cáo kiểm toán Báo cáo tài chính riêng và hợp nhất năm 2020 của VEAM còn tồn tại ý kiến kiểm toán ngoại trừ.
Bà Nguyễn Thị Nga – Thành viên HĐQT cho biết, VEAM đang tập trung giải quyết các vấn đề tồn tại, bao gồm cả vấn đề ngoại trừ này một cách hết sức quyết liệt thông qua hàng loạt cuộc họp thường xuyên trong mỗi tháng, đồng thời thành lập Ban chỉ đạo, phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để làm rõ vấn đề. Dự kiến thời gian để giải quyết triệt để sẽ trong khoảng từ 3 đến 5 năm tới, và cố gắng hết sức để không xảy ra thêm các vấn đề ngoại trừ. Bà Nga mong quý cổ đông sẽ tin tưởng ban lãnh đạo VEAM.
Về kế hoạch thoái vốn nhà nước tại VEAM, Chủ tịch cho biết Tổng Công ty sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Công Thương nhằm quyết toán cổ phần hóa để bàn giao sang CTCP. Cụ thể, tháng 6/2020, Thủ tướng ban hành Quyết định mới mà theo đó VEAM sẽ thực hiện thoái hết vốn nhà nước trong năm 2020. Đến tháng 8/2020, Tổng Công ty đã có văn bản trình lên Bộ Công Thương với phương án cho phép giữ nguyên phần vốn nhà nước nắm giữ VEAM, khi cần thoái vốn, đề nghị điều chỉnh kế hoạch theo hướng nhà nước nắm giữ tỷ lệ chi phối, tối thiểu là 51%
Cổ tức năm 2020 bằng tiền mặt với tỷ lệ cao, xấp xỉ 50%
Nhìn lại tình hình kinh doanh năm 2020, VEAM ghi nhận doanh thu thuần đạt 3.667 tỷ đồng, giảm 18% so với cùng kỳ năm trước, khoản lãi từ liên doanh liên kết giảm đến 28% về mức 5.124 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế của VEAM đạt 5.594 tỷ đồng, tuy vượt kế hoạch đề ra song chỉ bằng 76% so với thực hiện năm 2019.
Dựa trên kết quả thu được, với hơn 1,3 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, VEAM dự kiến chi hơn 6.600 tỷ đồng để thực hiện chi trả cổ tức năm 2020 bằng tiền mặt với tỷ lệ 49,9%, tương đương 1 cổ phiếu nhận về 4.990 đồng. Chủ tịch Nguyễn Khắc Hải cho biết, Tổng Công ty dự kiến chi trả trong 1 lần và sớm nhất theo quy định. Dự kiến trong tuần tới, HĐQT sẽ họp để quyết định thời gian cụ thể, có thể là trong quý 3/2021. Trước đó VEAM đã thanh toán khoảng 6.980 tỷ đồng cổ tức năm 2019 với tỷ lệ xấp xỉ 52,53%. Việc duy trì mức tỷ lệ cổ tức cao bằng tiền mặt đã được Tổng Công ty thực hiện từ năm 2018 đến nay.
Trên hệ thống UpCOM, cổ phiếu VEA chính thức giao dịch từ tháng 7/2018 với giá tham chiếu là 27.600 đồng/cổ phiếu, đến nay đã tăng gấp hơn 1,7 lần. Sau khi chạm ngưỡng vùng đỉnh lịch sử ngày 22/6 tại mức 50.200 đồng/cổ phiếu, thị giá VEA đã quay đầu, giữ nguyên sắc đỏ trong 5 phiên trở lại đây, đóng cửa phiên giao dịch 29/6 tại mức 47.200 đồng/đơn vị. Giá trị vốn hóa thị trường ước tính hơn 61.300 tỷ đồng.
Diễn biến cổ phiếu VEA 1 năm gần đây