Là một trong những khách sạn 5 sao ấn tượng nhất Hà Nội, Hilton HaNoi Opera rơi vào cảnh "hoa đẹp nhiều ong bướm qua lại". Công trình kiến trúc kiểu Pháp đã và đang trải qua nhiều "đời" chủ sở hữu.
Những thương vụ thâu tóm gây xôn xao
Hilton Hà Nội (Hilton HaNoi Opera) được xây dựng trong năm 1993 và nhanh chóng trở thành điểm dừng chân của giới thượng lưu mỗi khi đặt chân tới thủ đô. Khách sạn nằm trên khu đất có diện tích 5.504 m2 với vốn đầu tư 63 triệu USD.
Không chỉ mang tính thẩm mĩ cao, Hilton HaNoi Opera còn sở hữu kiến trúc kiểu Pháp sang trọng, duyên dáng, mềm mại không giống như đa số các khách sạn khác ở mảnh đất kinh kỳ. Chính vì vậy, Hilton HaNoi Opera được ví như "một cô gái đẹp", mà đẹp thường được nhiều người để ý.
Hilton HaNoi Opera đã vài lần phải đổi chủ sở hữu. Ngày 1/8/2006, quỹ VinaCapital khiến giới đầu tư chú ý khi chính thức công bố mua lại 70% cổ phần (trị giá 43 triệu USD) của đối tác Đức và Pháp tại khách sạn Hilton HaNoi Opera.
Đến năm 2009, VinaCapital cho biết đã thoái vốn hoàn toàn khỏi Hilton HaNoi Opera và thu về khoản lợi nhuận 23%. Danh tính bên mua không được tiết lộ. Phải đến năm 2012, dư luận mới xôn xao trước tin đồn Tập đoàn BRG do nữ doanh nhân Nguyễn Thị Nga điều hành thâu tóm nốt 30% vốn còn lại tại Hilton HaNoi Opera. BRG hoàn toàn im lặng trước tin đồn này. Thực tế, BRG đã có rất nhiều hoạt động hợp tác với Hilton Worldwide nhưng trong danh sách các khách sạn do BRG quản lý, cái tên Hilton HaNoi Opera chưa từng xuất hiện.
Đã có thời điểm chính "người Hilton" cho biết chủ sở hữu của khách sạn Hilton là Công ty TNHH Du lịch và Thương mại Hoàn Kiếm, đơn vị kết hợp của Tổng cục Du lịch Hà Nội (Hanoitourist) và Công ty cổ phần thương mại và du lịch Ngân Anh - công ty có liên quan đến Tập đoàn BRG.
Hiện tại, trên website của mình, Hanoitourist cũng thừa nhận Hilton HaNoi Opera là "người nhà" khi viết: "Trong tổng số hơn 10 khách sạn 5 sao của Hà Nội, Hanoitourist nắm giữ cổ phần chi phối của 5 khách sạn 5 sao nổi tiếng nhất thủ đô như: Sofitel Legend Metropole Hanoi, InterContinental Hanoi Westlake, Pullman Hanoi, Hilton Hanoi Opera và Hotel De L'Opera. Ngoài ra, Hanoitourist còn sở hữu và nắm giữ cổ phần chủ yếu của các khách sạn 4 sao như Khách sạn Hà Nội, Khách sạn Hilton Garden Inn…"
Dấu hỏi về chủ nhân đích thực
Thế nhưng, trong danh sách cổ đông của Công ty TNHH Khách sạn Nhà hát - đơn vị sở hữu Khách sạn Hilton HaNoi Opera - những cái tên nổi tiếng như Hanoitourist hay BRG hoàn toàn vắng bóng. Thay vào đó là những công ty "có liên quan".
Cụ thể, Hilton HaNoi Opera chỉ có 2 cổ đông là Công ty TNHH Phát triển TN Hà Nội và Công ty cổ phần Thăng Long GTC. Hai đơn vị này lần lượt sở hữu 70% và 30% vốn công ty với giá trị vốn góp tương ứng gần 277 tỷ đồng và 119 tỷ đồng.
Ở mảng khách sạn, ngoài Hilton HaNoi Opera, Thăng Long GTC còn nắm giữ vốn tại Pan Horizon Hotel và InterContinental Hanoi Westlake. Thăng Long GTC ít nhiều cũng được biết đến với tư cách là công ty con của Hanoitourist. Còn Công ty TNHH Phát triển TN Hà Nội lại "im hơi lặng tiếng". |
Công ty TNHH Phát triển TN Hà Nội có ngày hoạt động là 14/7/2020 tại số 33, đường Tây Hồ, Phường Quảng An, Quận Tây Hồ, Hà Nội. Người đại diện pháp luật là bà Nguyễn Thị Ngọc Anh.
Thông tin chính thức về việc TN Hà Nội mua lại cổ phần Hilton HaNoi Opera chưa bao giờ xuất hiện. Chỉ biết, chủ nhân ngay trước đó của khách sạn này là Công ty cổ phần Phát triển TN, một đơn vị được cho là liên quan đến bà Nguyễn Thị Nga.
Công ty cổ phần Phát triển TN và Công ty TNHH Phát triển TN Hà Nội cùng chung địa chỉ và cùng chung người đại diện pháp luật (bà Nguyễn Thị Ngọc Anh).
Hoạt động của Công ty cổ phần Phát triển TN dường như không mấy hiệu quả. Trong nửa đầu năm 2020, công ty thua lỗ 23,1 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm 2019 lãi gần 138 triệu đồng. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế/Vốn chủ sở hữu của công ty rất thấp, chỉ đạt 0,01%.
Tỷ lệ lợi nhuận/vốn thấp thấp hơn gửi tiết kiệm
Có tỷ suất lấp đầy cao nên trong những năm gần đây, Hilton HaNoi Opera không hề thua lỗ. Các chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận của khách sạn này đều tăng trưởng dương.
Cụ thể, từ các năm 2016, 2017, 2018 và 2019, Hilton HaNoi Opera đạt doanh thu 254 tỷ đồng; 276,5 tỷ đồng; 284,2 tỷ đồng và 315,8 tỷ đồng. Lợi nhuận lần lượt đạt 13,2 tỷ đồng; 25,8 tỷ đồng; 32,7 tỷ đồng; 48,9 tỷ đồng.
Vì vậy, tỷ suất lợi nhuận sau thuế/doanh thu giai đoạn 2016-2019 tại Hilton HaNoi Opera là 5,2%, 9,33%, 11,5% và 15,5%. Tại khách sạn Melia, một đối thủ cạnh tranh trực tiếp của Hilton HaNoi Opera, tỷ lệ trên luôn đạt khoảng 50% trong thời kỳ này.
Tình hình tài chính tại Hilton HaNoi Opera khá vững khi công ty sở hữu tài sản lớn nhưng nợ ít. Trong giai đoạn 2016-2019, tổng tài sản tại Hilton HaNoi Opera là 750,1 tỷ đồng; 771 tỷ đồng, 679 tỷ đồng; 641 tỷ đồng nhưng nợ phải trả chỉ là 58,8 tỷ đồng; 54,5 tỷ đồng; 52 tỷ đồng; 64,8 tỷ đồng. |
Tài sản cao nhưng Hilton HaNoi Opera lại có một mặt có phần kém tích cực đó là lợi nhuận thấp khiến tỷ suất lợi nhuận/vốn rất khiêm tốn. Con số này từ 2016 đến 2019 chỉ là 1,8%, 3,3%, 4,8% và 7,6%.
Có thể thấy tỷ suất lợi nhuận/vốn tại Hilton HaNoi Opera thấp hơn lãi suất gửi ngân hàng. Trong năm 2019, chỉ tiêu này chỉ cao hơn lãi tiết kiệm ở ngân hàng quốc doanh và thấp hơn tại đa số các ngân hàng thương mại cổ phần. Ví dụ, trong tháng 12/2019, lãi suất huy động tại Vietcombank là 6,8%/năm nhưng tại VietcapitalBank lên đến 8,2%/năm.
Dù vậy, cổ tức mà Hilton HaNoi Opera dành cho cổ đông vẫn là ẩn số. Trong năm 2017, năm hiếm hoi Thăng Long GTC công bố số liệu cổ tức mà các công ty con, công ty liên kết chi trả cho mình, Hilton HaNoi Opera không được "điểm mặt chỉ tên".
Theo đó, trong năm 2017, dù có nhiều công ty con, công ty liên doanh liên kết nhưng Thăng Long GTC chỉ nhận được cổ tức từ siêu thị Big C Thăng Long và Hanoi Tourist Taxi.
(Theo Dân Trí)