Tháng trước, biểu tượng thời trang nhanh một thời của giới trẻ Forever 21 (F21) đã đệ đơn xin phá sản và tuyên bố đóng cửa hàng loạt cửa hàng trên khắp thế giới.
Những sai lầm của F21 cùng với thay đổi trong toàn ngành về thị hiếu và thói quen mua sắm của người tiêu dùng đã có tác động sâu rộng tới hàng ngàn nhân viên công ty, các nhà cung cấp và trung tâm thương mại. Tuy đệ đơn phá sản nhưng F21 vẫn sẽ tiếp tục vận hành trang web và hàng trăm địa điểm còn lại ở Mỹ, Mexico và Mỹ Latin để cắt lỗ. Người phát ngôn của gia đình Chang từ chối bình luận về thông tin trên.
Hai vợ chồng nhà sáng lập người Hàn Quốc, Do Won và Jin Sook Chang di cư đến Mỹ năm 1981 và cùng nhau xây dựng thương hiệu thời trang Forever 21 trị giá hàng tỷ USD. Hai người con gái của họ đều tốt nghiệp từ nhóm trường đại học Ivy League danh tiếng tại Mỹ và đều nắm giữ các vị trí lãnh đạo cấp cao của công ty.
Hai vợ chồng nhà sáng lập thương hiệu Forever 21.
Chuyện của nhà Chang thực sự là một câu chuyện thành công độc đáo và F21 cũng khác xa với hoạt động của các công ty gia đình khác. Ở thời kỳ đỉnh cao, nhà bán lẻ này có doanh thu đạt 4 tỷ USD và tuyển dụng hơn 43.000 nhân viên làm việc tại hàng trăm cửa hàng trên toàn thế giới.
Hiện F21 đang rời khỏi 40 quốc gia và đóng cửa tới 199 địa điểm (hơn 30% tổng số cửa hàng) tại Mỹ. Các chuyên gia trong ngành và nhân viên cũ của công ty mới đây đã chỉ ra rằng phong cách quản lý nội bộ của nhà Chang là một nguyên nhân quan trọng dẫn đến sự sụp đổ của đế chế thời trang này.
Cái tên Forever 21 được lấy cảm hứng từ niềm tin của Do Wan Chang rằng 21 là độ tuổi đẹp nhất trong cuộc đời mỗi người.
Sự ngạo mạn của nhà sáng lập
Erik Gordon, một chuyên gia quản lý tại Đại học Kinh doanh Michigan Ross nhận định: "Nhiều nhà sáng lập doanh nghiệp khá ngạo mạn. Nếu bạn thành công trong một thời gian dài, điều đó đặc biệt nguy hiểm. F21 không có hội đồng quản trị và các nhà phân tích vốn để giúp họ kiểm tra thực tế. Họ đã tự tạo ra ‘bong bóng’ và sống trong đó rồi một ngày bong bóng bất ngờ vỡ tung".
Hồ sơ phá sản của F21 đã tiết lộ nhiều bí mật bên trong nhà bán lẻ thời trang vốn được giữ kín trong nhiều thập kỷ. 6 cựu nhân viên, bao gồm 3 giám đốc điều hành đã chia sẻ với New York Times về trải nghiệm của họ tại đây với điều kiện không tiết lộ danh tính.
Gia đình trị, không tin người ngoài, chi li với nhân viên
F21 được xây dựng trên ý tưởng xác định xu hướng may mặc, sau đó làm việc với các nhà cung cấp để nhanh chóng đưa các sản phẩm đó đến cửa hàng với mức giá hợp lý. Ngay từ ngày đầu thành lập, Do Wan Chang (hiện vẫn là CEO công ty) đã nắm quyền chi phối với vai trò giám sát mối quan hệ giữa F21 và nhà cung cấp trong khi bà Chang quản lý mảng thiết kế và kinh doanh.
Nhân viên cũ nói rằng tầng trên cùng của trụ sở ở Los Angeles của F21 được coi là "thế giới riêng" của ông Chang, nơi diễn ra chiến lược của công ty và nơi mà mọi người phải giữ im lặng bên ngoài văn phòng của ông. Trong khi đó, tầng dưới cùng là "lãnh địa" của bà Chang, nơi người mua và các nhà hoạch định phải để bảo vệ kiểm tra túi xách trước khi rời tòa nhà. Năm nay, ông Chang còn đích thân phê duyệt chi phí công tác của nhân viên và vặn vẹo các giám đốc cấp cao về hóa đơn bữa trưa hoặc chi phí đi lại bằng Uber của họ.
Hai con gái của họ cũng đã gia nhập hàng ngũ điều hành. Cô con gái lớn, Linda Chang là phó chủ tịch điều hành và được coi là người kế nhiệm của Do Wan. Trong khi đó, em gái của cô, Esther Chang là phó chủ tịch bán hàng.
Do Wan chang và hai con gái.
Gia đình Chang chưa bao giờ có ý định đưa F21 lên sàn chứng khoán, không giống các đối thủ trong lĩnh vực thời trang nhanh khác của họ. Chính vì vậy, họ đã từ chối rất nhiều cơ hội để xây dựng nền tảng tài sản vững chắc".
Những người thân cận với vợ chồng Chang gồm một cặp vợ chồng người Mỹ gốc Hàn khác: Alex Ok và SeongEun Kim. Hồ sơ phá sản cho thấy nhà Chang sở hữu 99% công ty trong khi vợ chồng Alex nắm giữ 1% còn lại.
Nhân viên cũ nói rằng khi việc kinh doanh mở rộng, gia đình Chang phải vật lộn với mong muốn thuê giám đốc điều hành có kinh nghiệm và sự không tin tưởng vào người ngoài. Trong những năm gần đây, F21 đã tích cực tuyển chuyên gia để cải thiện các bộ phận nhưng sau đó lại… bỏ qua khuyến nghị của họ về… mọi thứ, từ công nghệ mới đến marketing.
Một số người đã nhắc lại việc nữ ca sĩ Ariana Grande đệ đơn kiện Forever 21 vào tháng 9 do sử dụng người mẫu và chủ đề có nhiều nét tương đồng với cô để quảng cáo. Trước đó, các nhà làm marketing của F21 đã đề xuất hợp tác với Ariana trong chiến dịch quảng cáo năm 2014 nhưng không được chấp thuận. Giờ đây, cô ấy đã trở thành một nghệ sĩ nổi tiếng toàn cầu, còn F21 lại có một chiến dịch thiếu chuyên nghiệp khi sử dụng người mẫu giống Ariana.
F21 từng vướng lùm xùm với nữ ca sĩ Ariana Grande.
Đức tin vào Kitô giáo của nhà Chang đóng vai trò quan trọng trong cách họ điều hành công ty. Túi mua sắm của F21 đều được in cụm "John 3:16" liên quan đến một đoạn yêu thích của ông Chang trong Kinh Thánh.
Cựu giám đốc của một thương hiệu khác cho biết khi thuê những người từng làm việc ở F21, họ nói rằng mình chưa bao giờ được phép xem tình hình kinh doanh tổng thể của công ty mà chỉ được biết thông tin về lĩnh vực mà họ đang đảm nhiệm.
Sai lầm ‘chí mạng’: Mở cửa hàng mà không nghiên cứu thị trường
Một trong những sai lầm lớn nhất của F21 là trong lĩnh vực bất động sản. Trong những năm trước và sau suy thoái kinh tế, công ty này đã mở rộng mạnh mẽ và quyết định mở nhiều cửa hàng lớn. Người đứng đầu lĩnh vực bất động sản trước đây của F21 tiết lộ việc mở những cửa hàng siêu lớn luôn là giấc mơ của ông Chang.
Dù vậy, do diện tích quá lớn nên các cửa hàng đều gặp khó khăn trong việc lấp đầy bằng sản phẩm mới. Điều này đã trở thành bất lợi của công ty khi công nghệ và thương mại điện tử bắt đầu tàn phá cửa hàng thời trang tại các trung tâm thương mại ở Mỹ.
Trong cuộc phỏng vấn tháng trước, Linda Chang thừa nhận vấn đề với cửa hàng lớn bởi chi phí thuê mặt bằng là không nhỏ. Cô cũng đề cập đến sự thay đổi trong hành vi tiêu dùng của khách hàng khi ngày càng nhiều người mua sắm quần áo online thay vì đến cửa hàng vật lý.
Cách xử lý của ông Chang cũng bị đánh giá là thiếu khôn ngoan. Ông miễn cưỡng đóng cửa những nơi có doanh thu kém và đôi khi, ông chỉ chuyển vị trí cửa hàng từ nơi này sang nơi khác trong cùng một trung tâm thương mại.
Một cửa hàng của F21.
Ngoài ra, F21 còn mở cửa hàng mới tốn nhiều chi phí ở nước ngoài mà không nghiên cứu kỹ thị hiếu của khách hàng địa phương và tham khảo ý kiến của chuyên gia. Năm 2005, hãng có 7 cửa hàng và chỉ 1 thập kỷ sau, con số đó đã tăng lên 262. Một vài cựu nhân viên nói rằng F21 thường không nắm rõ luật lao động địa phương và mắc sai lầm, ví dụ như không nhận ra rằng khách hàng ở nhiều nước châu Âu mua sắm đồ mùa đông sớm hơn so với người Mỹ.
Hồ sơ phá sản cho thấy hầu hết các cửa hàng quốc tế của F21 đều không có lãi từ năm 2015. Trung bình, hệ thống ở Canada, châu Âu và châu Á đã lỗ 10 triệu USD/tháng trong năm qua trong khi chi phí thuê mặt bằng hàng năm của F21 lên tới 450 triệu USD. Thời điểm hồ sơ được nộp, F21 đã nợ các nhà cung cấp 347 triệu USD.
Chuyên gia bán lẻ Cohen nhận định: "Về cơ bản, F21 chỉ là một con ngựa con chỉ giỏi duy nhất một trò. Hai nhà đồng sáng lập đã làm rất tốt cho đến khi công việc kinh doanh trở nên quá lớn và phức tạp để họ có thể tự gánh vác".