Các thương vụ, giao dịch hoa lan trên chợ mạng trở nên sôi động và hấp dẫn hơn bao giờ hết trước cơn sốt lan đột biến tiền tỷ.
Dạo 1 vòng quanh các chợ mạng, các loại lan thường cho đến lan đột biến được rao bán rầm rộ, công khai với giá cả linh hoạt. Chỉ từ vài trăm nghìn đồng cho đến cả triệu đồng, người chơi cũng có thể sở hữu được các giống lan quý. Thậm chí có những thương vụ, giao dịch có thể lên tới hàng tỷ đồng. Tuy nhiên, trong giới mua bán lan trên mạng cũng có những quy tắc ngầm để kiểm soát và định giá riêng.
Đầu tiên, người bán phải chứng thực được "báu vật" là do mình sở hữu bằng cách tự chụp và quay sản phẩm. Thông thường, trên mỗi bức hình nhất thiết phải ghi rõ tên người bán hoặc tên được đặt cho cây. Giá cả thì có thể báo hoặc không, tùy vào từng trường hợp cụ thể.
Sôi động các giao dịch mua bán lan trên chợ mạng |
"Đa phần, nếu giao dịch từ 10 triệu đồng trở xuống, người bán hay để giá công khai. Còn cao hơn thì là trao đổi riêng, miễn sao là cả đôi bên đều có lợi. Bởi suy cho cùng, hội nhóm lập ra cũng nhằm mục đích kết nối và thương mại hóa sản phẩm" - anh Hưng, một người bán lan trên chợ mạng chia sẻ.
Anh cũng cho biết, quản trị viên ở nhóm chỉ can dự và phân xử vào các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo, làm mất uy tín của cộng đồng. Đơn cử như việc người bán sử dụng hình ảnh cây của người khác để thương mại hóa. Hoặc gian dối bằng cách "treo đầu dê bán thịt chó", điển hình như việc miêu tả sản phẩm không chính xác hoặc nâng khống giá trị của cây lên gấp nhiều lần dẫn đến nhiễu loạn thị trường.
Để khẳng định sự sở hữu, người bán thường đặt tên cho cây |
Là người có kinh nghiệm chơi lan nhiều năm, anh Mạnh Hùng (Long Biên, Hà Nội) nhận định, thị trường lan trên mạng hiện nay khá sôi động, không thua kém gì với các giao dịch trực tiếp. Bởi người mua và người bán có không gian tiếp cận và kết nối rộng hơn.
"Không chỉ là thương mại, các hội nhóm còn là sân chơi để giới sành cây có dịp gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ kiến thức. Đôi khi, không mua bán được cây nhưng đổi lại là có thêm chiến hữu đồng sở thích" - anh nói.
Nhưng anh Hùng cũng nhận định, những điều trên chợ mạng chỉ nên tin 50% trước khi mắt thấy tai nghe. Bởi so với các loại sản phẩm khác, lan khá đặc thù, không thể chỉ nhìn mỗi qua màn ảnh nhỏ.
"Muốn chắc chắn, người mua chỉ nên giao dịch bán trực tiếp. Nghĩa là, khách có thể đến tận vườn xem lan, nếu đúng mô tả, ưng cây mới trả tiền. Qua mạng chỉ là hình thức hẹn lịch, chứ chưa ngã giá" - anh Hùng chia sẻ bí kíp.
Lan đột biến "chen chân" lên sàn thương mại điện tử |
Đồng quan điểm, anh Tuấn Tú (Hà Đông, Hà Nội) cho rằng, có những giao dịch tiền tỷ, độc nhất vô nhị của giới chơi lan khởi nguồn từ trên chợ mạng. Mạng tuy ảo nhưng cũng có những thứ rất thật, chỉ cần người mua tỉnh táo và nhận định đúng thị trường thì không gì là không thể.
(Theo Dân trí)