"Quay ngoắt" từ nhập siêu thành xuất siêu
Tổng cục Hải quan vừa công bố số liệu sơ bộ tình hình xuất nhập khẩu tháng 1. Kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt 43,34 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu đạt 22,07 tỷ USD, nhập khẩu đạt 21,26 tỷ USD. Như vậy, theo Tổng cục Hải quan, Việt Nam xuất siêu hơn 800 triệu USD.
Cán cân thương mại Việt Nam đảo chiều, trái với các dự báo về thâm hụt trước đó. Con số này cũng bất ngờ khi nửa đầu tháng 1, Việt Nam nhập siêu 1 tỷ USD.
Xuất nhập khẩu hàng hóa trong tháng 1 của Việt Nam có sự vênh nhau về số liệu. Ảnh: Reuters.
Đặc biệt hơn, số liệu xuất siêu 800 triệu USD do Hải quan công bố lại ngược hoàn toàn với con số được Tổng cục Thống kê công bố ngày 29/1. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, cả nước nhập siêu gần 800 triệu USD trong tháng 1.
Như vậy, cùng là số liệu xuất nhập khẩu tháng 1, Tổng cục Hải quan và Tổng cục Thống kê đưa ra số liệu trái ngược nhau hoàn toàn.
Lý giải với Người Đồng Hành về tình trạng có sự thay đổi lớn trong số liệu xuất nhập khẩu, ông Nguyễn Công Bình - Phó Tổng cục trưởng Hải quan - cho rằng do thời điểm công bố số liệu của Tổng cục Thống kê khác với phía Hải quan.
Theo ông Bình, Tổng cục Thống kê công bố số vào khoảng cuối tháng 1, khi đó, phía Hải quan mới chỉ cung cấp được số liệu xuất nhập khẩu thực của 10 ngày đầu tháng đó. Dựa trên số liệu 10 ngày đầu của Hải quan cùng các chuyên gia và nhóm Liên Bộ (gồm Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương, Ngân hàng Nhà nước, Tổng cục Thống kê và Tổng cục Hải quan) để ước tính số liệu xuất nhập khẩu hàng hoá (gọi là số ước tính Liên Bộ).
Như vậy, trong tháng 1, nửa đầu tháng, tình trạng nhập siêu lớn. Do đó, các chuyên gia tính toán đưa ra con số ước tính trong cả tháng lớn. "Số liệu của thống kê chỉ là ước tính", ông Bình khẳng định.
Đại diện Hải quan cho biết trong khi đó, cơ quan này công bố số liệu tháng 1 sau ngày 15/2. Do đó, số liệu xuất nhập khẩu đã được cập nhật đầy đủ chính xác cho cả 31 ngày của tháng 1.
Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm cũng khẳng định số liệu xuất nhập khẩu khi công bố vào cuối tháng 1 đều là số ước tính. "Sang tháng 2 này, khi có số liệu chính thức từ Tổng cục Hải quan, Tổng cục Thống kê sẽ công bố lại con số chính thức của xuất nhập khẩu", ông Lâm cho biết.
Khi được hỏi về ảnh hưởng với trường hợp thông tin công bố về cùng một chỉ số có sự trái ngược, lãnh đạo Tổng cục Thống kê cho rằng tâm lý nhà đầu tư và người sử dụng thông tin cũng sẽ không ảnh hưởng. Bởi theo ông, nhà đầu tư và người dùng thông tin hoàn toàn hiểu các thông lệ thống kê.
Vì sao chênh lệch?
Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Công Bình cho biết chênh lệch trong tháng 1 có thể đến từ việc trong nửa đầu tháng Việt Nam nhập khẩu lớn hàng hóa phục vụ dịp Tết.
Những mặt hàng xuất khẩu trên 1 tỷ USD trong nửa đầu tháng tiếp tục xuất khẩu mạnh trong nửa cuối tháng. Dệt may sau khi xuất khẩu 1,2 tỷ USD trong nửa đầu tháng tiếp tục đạt thêm hơn 2 tỷ USD trong nửa sau của tháng. Tương tự, mặt hàng giày dép cũng xuất khẩu thêm 1 tỷ USD trong nửa cuối tháng 1.
Nhóm hàng điện thoại ghi nhận mức giảm kim ngạch xuất khẩu, chỉ đạt gần 1,3 tỷ USD trong nửa đầu tháng 1, thấp hơn 800 triệu USD so với cùng kỳ. Tuy nhiên, nửa cuối tháng 1, mặt hàng này đã cải thiện xuất khẩu được thêm 2 tỷ USD.
Ông Bình cho biết nửa cuối tháng, cơ cấu xuất khẩu hàng hóa có sự thay đổi dẫn tới việc cán cân thương mại đảo chiều.
TS Phạm Tất Thắng, Viện Nghiên cứu Công Thương (Bộ Công Thương) cho rằng số liệu xuất nhập khẩu trong ngắn hạn sẽ thay đổi chỉ cần có một vài lô hàng lớn được thông quan. Xuất siêu, hay nhập siêu trong vòng nửa tháng đến 1 tháng sẽ thay đổi theo các lô hàng này. Vì vậy, ông Thắng nhận định đánh về xu thế xuất nhập khẩu cần trong khoảng thời gian nhất định.