TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế 2019 đạt khoảng 6,9%, lạm phát năm 2019 ở mức 4,28%.
TS Thành cho rằng những mục tiêu cho năm 2019 là có thể đạt được. Thậm chí, chỉ tiêu về tăng trưởng GDP hoàn toàn có thể vượt mức mục tiêu 6,6-6,8% của Quốc hội đề ra, trong bối cảnh Việt Nam đang hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Tuy nhiên, rủi ro lạm phát vẫn cần phải được theo dõi chặt chẽ khi giá cả trên thị trường hàng hóa thế giới trồi trụt thất thường.
Tọa đàm đánh giá kinh tế vĩ mô 2018. Ảnh: VEPR.
Năm 2019 kinh tế Việt Nam đối diện với những thách thức kinh tế thế giới trở lên bất ổn hơn. Với độ mở lớn, do vậy, nền kinh tế Việt Nam chịu tác động bên ngoài nhanh, mạnh hơn so với thời kỳ trước.
Triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong dài hạn sẽ tiếp tục phụ thuộc vào FDI, kết quả gỡ bỏ rào cản thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.
TS Thành đưa ra khuyến cáo Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước nên đặt nhiệm vụ trọng tâm là thu gọn đầu mối quản lý, xóa bỏ các lực cản để từ đó thúc đẩy tiến trình cổ phần hóa, thay vì sa đà vào việc cố gắng bảo vệ và duy trì khu vực doanh nghiệp nhà nước vốn dĩ không thể hoạt động hiệu quả bằng khu vực tư nhân.
Hoạt động thương mại và đầu tư quốc tế được kỳ vọng sẽ khởi sắc nếu các hiệp định thương mại tự do như CPTPP và EU chính thức được thông qua. Ngoài ra, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang đặt Việt Nam trước một cơ hội lớn hiếm hoi trước xu hướng rời bỏ Trung Quốc của chuỗi cung ứng sản xuất.
"Tuy nhiên, để cơ hội trở thành hiện thực đòi hỏi rất nhiều ở việc cải thiện môi trường thể chế, kinh doanh và chất lượng lao động trong nước", TS Thành nhận định.
Bổ sung, TS Phạm Thế Anh cũng khuyến nghị Chính phủ có thể tiếp tục ứng phó các rủi ro bằng chính sách tỷ giá linh hoạt hơn. Giữa xu thế USD có thể tăng giá hơn nữa dù không mạnh bằng năm 2018, tỷ giá VND nên đi giữa các đồng tiền lớn của các thị trường xuất khẩu lớn với Việt Nam để dung hòa được tác động tích cực và tiêu cực. Hệ thống tài chính phải giảm vào dựa vào các đòn bẩy khi tín dụng tăng rất mạnh ở các lĩnh vực rủi ro như bất động sản, BOT, BT và tín dụng tiêu dùng.
Về tác động lâu dài khi chuỗi cung ứng sản xuất dịch chuyển từ Trung Quốc tới các nước láng giềng, VEPR cho rằng, Việt Nam cần cải thiện môi trường thể chế, kinh doanh và chất lượng lao động để đón đầu cơ hội này. Thách thức cho Việt Nam cũng không nhỏ khi cơ sở hạ tầng chưa sẵn sàng đón nhận làn sóng chuyển dịch sản xuất, cũng như bất lợi về lợi thế quy mô như Trung Quốc, Ấn Độ.