Với mức tăng trưởng cao đột biến 7,38% của Quý 1, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho rằng mục tiêu tăng trưởng 6,5-6,7% của năm 2018 do Quốc hội đề ra là hoàn toàn khả thi do nhiều điều kiện thuận lợi được duy trì.
Tuy nhiên, trong bối cảnh chiến tranh thương mại và chủ nghĩa bảo hộ đang diễn ra, tương lai của nền kinh tế Việt Nam còn rất bất định trước các cú sốc từ thị trường thế giới.
VEPR cho rằng mô hình tăng trưởng kinh tế năm nay sẽ ngược so với mọi năm, các quý sau sẽ tăng trưởng không mạnh như quý 1.
Cụ thể, VEPR dự đoán tăng trưởng kinh tế quý 2,3,4 lần lượt đạt 6,51%; 6,84% và 6,75%. Tính chung cả năm 2018, tăng trưởng đạt 6,83%- cao hơn so với mục tiêu Quốc hội đặt ra.
Tại buổi họp báo công bố tình hình kinh tế, xã hội quý 1/2018, ôngNguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng mục tiêu tăng trưởng 6,7% năm 2018 sẽ là thách thức lớn.
Theo đó, lệnh cắt giảm thuế của Mỹ, kéo theo kinh tế Việt Nam cũng chịu tác động xấu. Khi thuế doanh nghiệp của Mỹ giảm, các doanh nghiệp sẽ quay về nước để đầu tư. Đồng thời, dòng vốn nước ngoài đổ về Mỹ cũng tăng theo, thay vì chảy sang các nước khác trong đó có Việt Nam.
Bên cạnh đó, việc cắt giảm thuế sẽ kích thích người dân tiêu dùng nhiều hơn và làm thâm hụt ngân sách khiến Mỹ thắt chặt tiền tệ ảnh hưởng tới tài chính toàn cầu.
Về yếu tố trong nước, độ mở nền kinh tế Việt Nam rất cao, năm 2017 đạt trên 200%. Độ mở của nền kinh tế tính theo (Xuất khẩu + nhập khẩu)/GDP. Điều này phụ thuộc rất nhiều vào tổng cầu thế giới.
Tiếp tục đà tăng trưởng ấn tượng của nửa sau năm 2017, GDP Quý 1/2018 tăng trưởng mạnh 7,38%, cao nhất trong 10 năm qua.
Ông Lâm cho biết, "Tăng trưởng quý 1 thường theo tính mùa vụ nên thấp. Năm nay yếu tố mùa vụ vẫn có nhưng không tác động nhiều như những năm trước nên tăng trưởng GDP quý 1 cao".
Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng đột biến 11,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, ngành được coi là động lực chính của tăng trưởng - công nghiệp chế biến, chế tạo - tiếp tục tăng trưởng cao 13,9%.
Tuy nhiên, giá trị gia tăng tạo ra trong ngành này chủ yếu đến từ khu vực FDI.
“Điều này cho thấy sự phụ thuộc ngày càng nhiều của tăng trưởng kinh tế Việt Nam vào khu vực vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt là Samsung”, tiến sĩ Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách nhận định.
Lạm phát Quý 1 tăng nhẹ so với quý trước, chủ yếu đến từ việc điều chỉnh giá các dịch vụ công như y tế, giáo dục và một phần có thể bắt nguồn từ sự nới lỏng tiền tệ.
Giá lương thực, thực phẩm trong tháng 2 cao hơn tháng 1 do hiệu ứng thường thấy của Tết Nguyên đán. Lạm phát lõi có xu hướng tăng nhẹ từ mức tương đối thấp, phần nào thể hiện khuynh hướng nới lỏng tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước.
VEPR dự đoán lạm phát quý 2,3,4 lần lượt đạt 3,44%; 3,84% và 4,21%.