Phía VEPR đánh giá sự dịch chuyển của chuỗi cung ứng là hệ quả rõ nét của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.
Theo đó, sự chạy đua về công nghệ, về quy mô nền kinh tế làm nảy sinh các vấn đề khiến các chuỗi cung ứng, sản xuất rời khỏi Trung Quốc, thậm chí là ra khỏi Mỹ.
Việc dịch chuyển sản xuất ra khỏi Mỹ về Trung Quốc theo VEPR ít được chú ý đến. Tuy nhiên, điều này đang diễn ra. Ví dụ cụ thể là Honda đang xem xét chuyển sản xuất một dòng xe SUV về Trung Quốc rồi bán tại đó, thay vì nhập khẩu từ Mỹ. Nguyên nhân tới từ việc các phương tiện nhập khẩu từ Mỹ vào Trung Quốc có nguy cơ chịu thuế tới 40% do bị trả đũa thương mại.
Hiện dòng dịch chuyển sản xuất nhận được nhiều sự quan tâm nhất hiện nay là dịch chuyển chuỗi cung ứng từ Trung Quốc sang các nước láng giềng châu Á.
Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Nam Trung Quốc tiến hành khảo sát các doanh nghiệp Trung Quốc và doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại quốc gia này cho biết 60% doanh nghiệp sẽ trì hoãn hoặc hủy các kế hoạch đầu tư, và 70% doanh nghiệp Mỹ được khảo sát sẽ rời khỏi Trung Quốc.
Việc chuyển hướng đầu tư của Mỹ trong trục Indo – Pacific sẽ giúp Ấn Độ trở thành nước hưởng lợi lớn nhất trong cục diện thế giới mới vì đây là nước khá tương đồng với thị trường Trung Quốc, đáp ứng được quy mô dân số, quy mô lao động và sức mua trong tương lai. Tuy nhiên, sự khác biệt về văn hóa cũng khiến các nhà đầu tư ở Đông Bắc Á như Nhật Bản, Hàn Quốc sẽ e ngại và mất nhiều thời gian để làm quen với thị trường.
Một điểm đến quen thuộc khác cũng có nhiều khả năng đón nhận dòng vốn chuyển dịch là thị trường Đông Nam Á. Trong đó, Việt Nam sẽ là một lựa chọn sáng giá do tính tương đồng về văn hóa và môi trường thể chế. Giá nhân công rẻ, khéo tay cùng với tình hình ổn định kinh tế - chính trị cũng là những lợi thế khác của Việt Nam.
Đây là một cơ hội rất lớn đối với nền kinh tế Việt Nam nhưng để nắm bắt được cơ hội này, đòi hỏi Việt Nam phải cố gắng rất nhiều ở việc cải thiện môi trường thể chế, kinh doanh và chất lượng lao động trong nước.