Ảnh hưởng tiêu cực của làn sóng Covid-19 quay trở lại lần thứ 4 đã khiến thị trường chứng khoán liên tục chao đảo trong hầu hết những phiên của tháng 7. Sau những nhịp bull trap, thanh khoản lại càng trở nên yếu ớt hơn, nhà đầu tư đang muốn những tín hiệu chắc chắn trước khi quyết định xuống tiền.
Tuy nhiên, bất chấp bối cảnh tiêu cực này, Chứng khoán Nhất Việt (VFS) mới đây đã đưa ra dự báo thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng trong nửa cuối của năm 2021 với kịch bản dòng tiền đổ vào chứng khoán tiếp tục gia tăng mạnh mẽ, cùng với đó là những chính sách hỗ trợ của Chính phủ nhằm đưa nền kinh tế vượt qua khó khăn.
Theo VFS, xu hướng của dòng tiền tiếp tục mạnh mẽ rót vào thị trường trong nửa cuối năm nay sẽ là động lực lớn duy trì đà tăng trưởng của chứng khoán Việt. Trong 6 tháng đầu 2021, lượng tài khoản mở mới của NĐT cá nhân đã tăng hơn 622 nghìn tài khoản (273% YoY), đưa tổng số tài khoản trên TTCK hiện đã đạt đến con số gần 3,4 triệu, chiếm đến 3,5% tổng dân số. VFS dự báo, số tài khoản mở mới tham gia thị trường trong cả năm 2021 có thể tăng 500% so với năm trước, tương ứng với thêm khoảng 600 nghìn tài khoản trong nửa cuối 2021 và hơn 1,2 triệu tài khoản trong cả năm; tổng số tài khoản trên toàn thị trường đạt con số 4 triệu.
Với số tài khoản dự phóng như trên, nếu mỗi nhà đầu tư mới đầu tư 10 triệu đồng thì dòng tiền mới trong 6 tháng cuối năm có thể đạt đến 6.000 tỷ đồng. Cộng thêm công cụ đòn bẩy margin 1:1, VFS dự phóng dòng tiền mới có thể lên đến 12.000 tỷ đồng. Cùng với đó, hiện lượng tiền mặt chờ sẵn giải ngân tại tài khoản chứng khoán hiện nay đạt đến hơn 80.000 tỷ đồng. Đây sẽ là lượng thanh khoản dồi dào cho thị trường trong thời gian tới.
Mặt khác, "game" tăng vốn từ các CTCK sẽ giải tỏa nút thắt “margin” của thị trường. Tính từ đầu năm tới nay, ghi nhận có tới 14 CTCK đã và sẽ phát hành ra thị trường 1,25 tỷ cổ phiếu với giá trị tương đường 10.000 tỷ VND. VFS cho rằng điều này sẽ tác động tích cực vào yếu tố thanh khoản giúp thị trường tiếp tục duy trì đà tăng điểm.
Từ đầu tháng 7 đến nay, khối ngoại đã đảo chiều mua ròng trở lại hơn 3.500 tỷ đồng, cho thấy tín hiệu tích cực khi dòng tiền ngoại quay lại thị trường với kỳ vọng về việc Việt Nam được nâng hạng lên thị trường mới nổi. Nếu thành công thăng hạng, dòng tiền lớn khoảng 20.000 tỷ đồng sẽ đổ vào thị trường Việt Nam thông qua các quỹ ETF chỉ số trong dài hạn.
Về các yếu tố vĩ mô, dưới áp lực của dịch bệnh diễn biến phức tạp, VFS cho rằng lạm phát bình quân 6 tháng đầu năm ghi nhận mức thấp là 1,47% sẽ giúp Chính phủ có nhiều dư địa để tiếp tục duy trì các chính sách nới lỏng và hỗ trợ các doanh nghiệp, giúp nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng ổn định. Với kịch bản kém lạc quan khi dịch bệnh kéo dài sang cả tháng 10, GDP Việt Nam vẫn được kỳ vọng vẫn sẽ tăng trưởng ở mức 5,5% - 5,9%. Trong kịch bản lạc quan hơn khi dịch bệnh được khống chế trong tháng 8, con số này có thể đạt mức 6,2%.
Gần đây, NHNN đã nới room tăng trưởng tín dụng lên mức 15% và duy trì mức lãi suất cho vay thấp, từ đó hỗ trợ doanh nghiệp hồi phục và ổn định sản xuất kinh doanh. Đặc biệt, Chính phủ đẩy mạnh đầu tư công tập trung vào cơ sở hạ tầng, xây dựng đường xá, cao tốc, dự án xây cầu,…, sẽ tạo hiệu ứng lan tỏa hỗ trợ nền kinh tế. Dự kiến tốc độ giải ngân đầu tư công sẽ được đẩy mạnh trong những tháng cuối năm, đạt tối thiểu 60% kế hoạch cả năm trong quý 3, tức gần 300 nghìn tỷ đồng sẽ được giải ngân trong quý 3/2021.
Với tốc độ tiêm vaccine cao, dự báo nền kinh tế của khu vực Mỹ và EU sẽ tiếp tục hồi phục mạnh mẽ trong nửa cuối năm nay, tăng cầu nhập khẩu hàng hóa và tạo ra cơ hội lớn đối với lĩnh vực xuất khẩu của Việt Nam. Các hiệp định thương mại FTA cũng sẽ thúc đẩy lĩnh vực xuất khẩu Việt Nam trong nửa cuối năm 2021. Một lợi thế khác với hoạt động xuất khẩu của Việt Nam là việc Ấn Độ - một đối thủ cạnh tranh lớn vẫn đang gặp khó khăn trong việc kiểm soát dịch bệnh.
Tuy nhiên, vẫn còn đó những rủi ro kinh tế từ đại dịch với biến thể diễn biến vô cùng phức tạp. Đặc biệt là dịch bệnh đã và đang tác động mạnh vào những khu vực kinh tế trọng điểm của Việt Nam như TP Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Bình Dương. Mặt khác, lộ trình tiêm chủng vaccine tại nước ta vẫn đang bị chậm khi mà mới chỉ mới có 4,3% dân số được tiếp cận với vaccine.
VN-Index đi ngang 1.200-1.300 cho đến hết tháng 7, có thể cán mốc 1.550 vào cuối năm 2021
Về kịch bản thị trường chứng khoán Việt Nam nửa cuối 2021, VFS định giá VN-Index hiện chỉ ở mức 17 lần, vẫn đang khá hấp dẫn khi so với các nước trong khu vực và cả với lịch sử. Với dự báo KQKD quý 2 tăng trưởng hơn 20% so với cùng kỳ, định giá P/E của VN-Index dự kiến sẽ còn điều chỉnh về mức rẻ hơn nữa là khoảng 16 lần.
VFS dự báo thị trường sẽ tiếp tục gặp khó khăn trong ngắn hạn, biến động đi ngang trong khoảng từ 1.200 đến 1.300 cho đến hết tháng 7 và hồi phục dần trở lại vào đầu tháng 8. Thời điểm hồi phục cũng là lúc kết quả kinh doanh quý 2 của các doanh nghiệp đã công bố hoàn toàn và dịch Covid 19 được khống chế trở lại.
Đến cuối năm, dự báo VN-Index sẽ duy trì đà tăng trên cơ sở hồi phục của nền kinh tế và có thể cán mốc 1.500-1.550. Kịch bản này được VFS đưa ra căn cứ trên mức dự báo về định giá PE của VN-Index trở nên hấp dẫn sau mùa công bố hết KQKD quý 2. Cùng với đó, kỳ vọng động lực tăng trưởng trong ngắn trung dài hạn vẫn được duy trì đưa VN-Index quay trở lại mức định giá PE ở vùng 19 lần, trong bối cảnh dịch bệnh được kiểm soát và quá trình tiêm vaccine được đẩy nhanh.