Ông chủ Nhà Trắng dẫn "bằng chứng đáng tin cậy" cho thấy hành động của Broadcom "có thể làm ảnh hưởng tới an ninh quốc gia của Mỹ". Broadcom là công ty có trụ sở tại Singapore, đang nỗ lực thâu tóm nhà sản xuất chip hàng đầu thế giới Qualcomm có trụ sở tại San Diego, Mỹ. Sự can thiệp của ông Trump cũng đã ngăn chặn thương vụ mua lại lớn nhất lịch sử công nghệ toàn cầu, trị giá 117 tỷ USD.
Việc Tổng thống ra tay ngăn chặn các thương vụ rất ít xảy ra trong lịch sử chính trường Mỹ. Trong khi đó, ông Trump là người theo đuổi chính sách "nước Mỹ là trên hết", gây ra nhiều căng thẳng kinh tế giữa Mỹ với thế giới, bao gồm cả với những đồng minh thân cận và lâu năm. Chính quyền ông Trump cũng ngày càng lo ngại với nguy cơ bị đánh cắp thông tin.
Broadcom là doanh nghiệp sản xuất chip nên việc nó bỏ tiền mua lại Qualcomm có thể khiến người Mỹ lo ngại. Một đơn vị của Ủy ban An ninh quốc gia Mỹ chuyên trách đầu tư nước ngoài (CFIUS) đang xem xét nội dung thỏa thuận đình đám. Đây cũng là cơ quan tham mưu cho Tổng thống Trump xung quanh những vấn đề đầu tư nước ngoài.
CFIUS quan tâm đến những gì được mô tả là sự tiếp quản thù nghịch dành cho Qualcomm từ đối thủ cạnh tranh của nó. Với 6 trong tổng số 11 ghế hội đồng quản trị của Qualcomm, Broadcom sẽ giành được quyền ra quyết định. Tuy nhiên, cuộc Đại hội cổ đông của Qualcomm đã không được tổ chức vào tháng 3 này như kế hoạch. CFIUS yêu cầu rời ngày tổ chức sang 5/4 tới.
Dan Ives, nhà phân tích của GBH Insights, nhận xét: "Trên lý thuyết, Broadcom có thể sử dụng các biện pháp pháp lý để chống lại quyết định của Tổng thống Trump nhưng về cơ bản, họ chẳng có cơ hội nào để tiếp tục thương vụ 117 tỷ USD nếu Nhà Trắng lắc đầu".
Có lẽ Broadcom cũng hiểu rõ điều đó. Nhằm lấy lòng nhà chức trách Mỹ, công ty này đồng ý chuyển trụ sở từ Singapore sang Mỹ trước khi ông Trump ban hành phán quyết. Broadcom cũng chấp nhận sửa đổi nhiều điều khoản trong hợp đồng để vừa lòng CFIUS. Tuy nhiên, tương lai của thương vụ đình đám vẫn là dấu hỏi.
Nhượng bộ nhà chức trách Mỹ nhưng Broadcom lại đang gây sức ép với Qualcomm. Theo Business Insider, công ty có trụ sở tại Singapore đã hạ giá mua đối thủ Mỹ xuống 117 USD so với 121 tỷ USD thỏa thuận vào cuối năm ngoái. Lý do được đưa ra là Broadcom muốn trừng phạt những thành viên hội đồng quản trị của Qualcomm, những người muốn ngăn cản thương vụ với các biện pháp cực đoan.
Quyết định của ông chủ Nhà Trắng khiến cổ phiếu Qualcomm tương lai giảm 4,3% nhưng cổ phiếu Broadcom lại tăng với mức 0,5%.