"Black Swan" hay "Thiên nga đen của năm 2020" là cái tên mà quỹ đầu tư Sequoia tại thung lũng Silicon dành cho virus corona (Covid-19). Thuật ngữ Thiên nga đen được phổ biến bởi Nassim Nicholas Taleb, một giáo sư tài chính, nhà văn và cựu thương nhân Phố Wall. Theo ông, “thiên nga đen” là sự kiện:
- Vượt quá dự đoán bình thường, rất hiếm khi xảy ra;
- Gây nên hậu quả nghiêm trọng;
- Được giải thích như một sự kiện mà đã có thể dự báo trước sau khi nó đã xảy ra.
Bong bóng dotcom 2001 hay sự sụp đổ của thị trường bất động sản Mỹ trong khủng hoảng năm 2008, đều được gọi là những sự kiện thiên nga đen tiêu biểu. Đến năm 2020, một "black swan" mới xuất hiện, khiến kinh tế toàn cầu "hắt hơi", "sổ mũi".
Trong bức thư gửi đến các CEO và nhà sáng lập được đăng trải trên Medium, Sequoia viết:
"Virus corona là thiên nga đen của năm 2020. Nhiều người trong chúng ta đã bị ảnh hưởng. Tất cả đều hoảng loạn trước vô vàn những lời khuyên và biện pháp phòng ngừa Covid-19 để bảo vệ sức khỏe, phúc lợi cho chính mình, nhân viên và gia đình."
Đứng trước tình thế khó khăn, Sequio khuyên các CEO nên đặt câu hỏi cho mọi giả định về doanh nghiệp của mình, bao gồm:
1. Dòng tiền mặt: Bạn có chịu được vài quý sụt giảm khi nền kinh tế không tăng trưởng không? Bạn đã thực hiện kế hoạch dự phòng? Bạn có thể cắt giảm chi phí ở đâu mà không gây tổn hại cơ bản cho doanh nghiệp? Đặt những câu hỏi này ngay bây giờ để tránh những hậu quả có thể gây đau đớn trong tương lai.
2. Dự báo doanh số: Ngay cả khi không thấy bất kỳ sự ảnh hưởng trực tiếp hay ngay lập tức nào, bạn vẫn cần dự đoán sự thay đổi hành vi, thói quen chi tiêu của khách hàng.
3. Số lượng nhân viên: Với những căng thẳng về tài chính, đây có thể là thời điểm để đánh giá nghiêm túc xem bạn và nhân viên có thể làm nhiều hơn, tăng năng suất hay không.
4. Chi tiêu vốn: Hãy kiểm tra xem kế hoạch chi tiêu vốn của bạn có hợp lý trong một môi trường đang không chắc chắc không. Việc thay đổi kế hoạch hay hoàn cảnh thậm chí có thể tạo ra cơ hội để tăng tốc.
"Liệu bạn có thể biến nguy thành cơ? Nhiều công ty lớn đã được rèn giũa từ ngay trong khó khăn. Chúng tôi đã hợp tác với Cisco ngay sau ngày Thứ Hai Đen tối năm 1987 (ngày mà chỉ số công nghiệp Dow Jones tụt tới 508 điểm xuống còn 1739). Google và Paypal đã chiến đấu và được nhào nặn trong khủng hoảng dot-com 2001. Gần đây, Airbnb, Square và Stripe cũng vươn lên ngay trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu.
Những ràng buộc phải tập trung tâm trí và áp lực là mảnh đất màu mỡ cho sự sáng tạo.
Trải qua mọi khủng hoảng, suy thoái trong vòng hơn 50 năm, chúng tôi đã học được một bài học quan trọng, đó là không ai hối tiếc khi thực hiện các điều chỉnh nhanh chóng và quyết đoán để thay đổi hoàn cảnh."
Như Darwin từng nói: "Người sống sót sau cùng không phải kẻ mạnh nhất hay thông minh nhất, mà là người dễ thích nghi để thay đổi nhất."
Điểm khác biệt của những nhà lãnh đạo vĩ đại là ở cách họ phản ứng với những khoảnh khắc khó khăn như thế này. Nhân viên của bạn đều biết về COVID-19 và đang tự hỏi bạn sẽ phản ứng như thế nào, ý nghĩa của nó đối với họ ra sao.
Sự lạc quan sai lầm có thể dễ dàng khiến bạn lạc lối và ngăn bạn thực hiện các kế hoạch dự phòng hoặc có hành động táo bạo. Hãy tránh bẫy này bằng cách thử nghiệm và hành động quyết đoán khi hoàn cảnh thay đổi.