Chỉ số đo sự sợ hãi tại Phố Wall tăng đến 85% trong quý I, mức tăng mạnh nhất kể từ năm 2011.
Khép lại tháng 3, chỉ số Dow Jones và S&P 500 của chứng khoán Mỹ chấm dứt chuỗi tăng 9 quý, và lý do dễ thấy nhất là chỉ số đo lường sự biến động Cboe Volatility (VIX), hay còn gọi là “thước đo sự sợ hãi” ở Phố Wall.
Chỉ số công nghiệp Dow Jones, theo dõi các cổ phiếu blue-chip của thị trường chứng khoán Mỹ, kết thúc quý I giảm 2,3%, để tuột chuỗi tăng dài nhất kể từ chuỗi tăng 11 quý kết thúc vào quý III/1997. Trong khi đó, chỉ số S&P 500 giảm 1,2% trong quý, kết thúc chuỗi tăng điểm dài nhất kể từ quý I/2015.
Có hàng tá nguyên nhân khiến các chỉ số này kết thúc các chuỗi tăng kỷ lục: Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) bình thường hóa chính sách tiền tệ, nâng lãi suất trong tháng 3 - lần thứ năm kể từ tháng 12/2015; biến động mạnh trong bộ máy của chính quyền Trump; và nỗi lo bùng nổ một cuộc chiến thương mại sau khi Tổng thống Trump áp thuế đối với nhôm và thép nhập khẩu, và đe dọa áp thêm thuế đối với hàng hóa từ Trung Quốc.
Ngoài ra, đà tăng mạnh của chỉ số VIX có mối liên hệ rõ nhất với đà đi xuống của thị trường. Theo số liệu của WSJ Market Data Group, chỉ số VIX tăng đến 81% trong quý I, mức tăng mạnh nhất kể từ quý III/2011 sau khi Standard & Poor’s hạ mức xếp hạng tín nhiệm “vàng” của Mỹ và những lo ngại về khủng hoảng nợ ở châu Âu.
Chỉ số VIX phản ánh kỳ vọng của giới đầu tư chứng khoán về sự biến động của chỉ số S&P 500 trong 30 ngày tới.
Chỉ số này chỉ biến động hẹp trong suốt 18 tháng cho đến khi tăng vọt 115% vào ngày 5/2. Việc chỉ số VIX tăng đột biến trong tháng 2 đã gây đảo lộn tâm lý nhà đầu tư ở Phố Wall, và làm đảo chiều các chiến lược đầu tư vào các tài sản rủi ro.
Khó có thể nói liệu VIX làm thay đổi thị trường chứng khoán hay đà sụt giảm của thị trường khiến chỉ số này thay đổi. Nhưng có điều có thể khẳng định rằng: thời kỳ bình yên đã qua rồi.