Trong ngành công nghiệp nhôm, việc đóng cửa một nhà máy luyện nhôm là quyết định vô cùng khó khăn. Một khi nguồn điện bị cắt và các dây chuyền sản xuất đóng lại, có thể phải mất nhiều tháng và hàng chục triệu USD để đưa chúng hoạt động trở lại.
Tuy nhiên, Norsk Hydro ASA đang chuẩn bị thực hiện điều này tại một nhà máy lớn ở Slovakia. Và đó không phải trường hợp duy nhất - sản lượng nhôm của châu Âu đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 1970. Những người trong ngành cho biết cuộc khủng hoảng năng lượng leo thang hiện nay có thể tạo ra sự "tuyệt chủng" cho nhiều khu vực sản xuất nhôm lớn của khu vực.
Nhôm được sử dụng trong hàng loạt sản phẩm quan trọng, từ khung ô tô, lon nước ngọt đến tên lửa đạn đạo. Để sản xuất ra một tấn nhôm cần 15 MWh điện - đủ để cung cấp cho 5 gia đình tại Đức sử dụng trong một năm.
Lượng điện cần để sản xuất 1 tấn nhôm cao gấp 40 lần so với sản xuất đồng.
Một số lò luyện nhôm tại châu Âu được trợ giúp bởi chính phủ, gồm các khoản trợ cấp, các hợp đồng điện dài hạn hoặc đặc cách tiếp cận các nguồn năng lượng tái tạo riêng nhưng không phải lò luyện nào cũng may mắn như vậy.
Khi sản xuất giảm, hàng trăm nhà sản xuất cần đến nhôm đang phải phụ thuộc nhiều hơn vào nhập khẩu. Họ còn phải tránh kim loại từ Nga, vốn là nhà cung cấp lớn nhất cho châu Âu trước đây.
"Lịch sử đã chứng minh, một khi các nhà máy luyện nhôm biến mất, chúng sẽ không quay trở lại", Mark Hansen - CEO của Concord Resources Ltd cho biết.
Các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp này cho biết họ khẩn cấp cần sự hỗ trợ của các chính phủ để tồn tại. Tuy nhiên, một sự trợ giúp dành riêng cho các ngành công nghiệp này sẽ khiến các chính phủ "khó ăn khó nói" với người dân khi họ phải đối mặt với hóa đơn tiền điện tăng cao và mối đe dọa mất điện luôn hiện hữu.
Khó khăn của ngành nhôm chỉ là một trong số hàng loạt ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng tại châu Âu phải đối mặt. Trên khắp châu lục, các nhà máy sản xuất phân bón, xi măng, thép, luyện kẽm cũng đang ngừng hoạt động vì giá điện và khí đốt quá cao.
Đáng lo ngại hơn khi tình trạng đóng cửa này sẽ không diễn ra trong ngắn hạn. Giá điện trong năm 2024-2025 tại châu Âu dự kiến vẫn rất cao, đe dọa sự tồn tại của nhiều ngành công nghiệp.
Theo giá thị trường hiện nay, nhà máy luyện nhôm Slovalco sẽ phải trả khoảng 2 tỷ USD tiền điện, theo CEO Milan Vesely. Slovalco quyết định đóng cửa nhà máy một phần do giá năng lượng cao, một phần để đáp ứng tiêu chuẩn khí thải bù cho một số lò luyện khác.
Việc khởi động lại nhà máy (có thể mất 1 năm) sẽ chỉ thực hiện được nếu giá điện rẻ hơn, giá nhôm tăng mạnh và sự hỗ trợ của chính phủ, Vesely cho biết trong một cuộc phỏng vấn mới đây.
"Đây là một cuộc đấu tranh sinh tồn thực sự", Paul Voss - Tổng giám đốc của European Aluminium, đại diện cho các nhà sản xuất và chế biến nhôm lớn nhất ở châu Âu cho biết. "Chúng tôi phải làm gì đó thật nhanh, nếu không sẽ chẳng còn gì có thể cứu chữa".
Thuế nhập khẩu cao, chi phí năng lượng tăng mạnh, các nhà sản xuất tại châu Âu đang đối mặt với mức phí ngành càng lớn so với giá quốc tế. Điều này đang giáng một đòn mạnh vào toàn bộ nền công nghiệp châu Âu, đe dọa sự hoạt động của nhiều ngành.
"Nhiều nhà máy luyện kim ở châu Âu đã ngừng hoạt động một phần công suất đáng kể khi đối mặt suy thoái. Khi mọi thứ được cải thiện, một số lò không bao giờ hoạt động trở lại", Uday Patel - Giám đốc nghiên cứu cấp cao tại Wood Mackenzie cho biết.
Sản lượng nhôm tại châu Âu đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 1973.
Wood Mackenzie ước tính châu Âu đã mất khoảng 1 triệu tấn năng lực sản xuất nhôm hàng năm và Patel cho biết ông tin rằng 25% trong số đó sẽ bị cắt giảm vĩnh viễn. Theo ước tính của Wood Mackenzie, 500.000 tấn khác "rất dễ bị tổn thương".
Việc cắt giảm sản xuất tại châu Âu gần như không tác động đến giá nhôm, vốn đã giảm hơn 40% kể từ mức đỉnh vào tháng 3. Các nhà giao dịch cho rằng sự sụt giảm nhu cầu toàn cầu có thể còn nghiêm trọng hơn.
Tổn thất của châu Âu chỉ chiếm khoảng 1,5% nguồn cung nhôm toàn cầu nhưng chúng sẽ khiến người tiêu dùng ở đây ngày càng phụ thuộc vào hàng nhập khẩu. Hiện tại, các nhà sản xuất châu Âu đang phải trả phí vận chuyển rất đắt để nhôm được vận chuyển đến các cảng địa phương và nếu giá thành sản xuất lên cao hơn nữa, họ gần như không thể cạnh tranh với các đối thủ ở châu Á và Mỹ.
Gần một nửa lượng nhôm các nhà sản xuất tại châu Âu mua phải mua về từ bên ngoài.
Cuộc khủng hoảng năng lượng cũng đang lan nhanh xuống chuỗi cung ứng tới các công ty mua nhôm. Họ phải sử dụng một lượng khí đốt đáng kể để biến nhôm thành sản phẩm tiêu dùng, từ ô tô đến bao bì thực phẩm. Nhiều công ty đang tìm cách chuyển phần chi phí năng lượng tăng cao này sang các khoản phụ phí, khiến chi phí nhà sản xuất tăng thêm trong nhiều năm tới.
Vesely, người đã làm việc tại Slovalco từ năm 1989 hy vọng nhà máy sẽ mở lại khi giá năng lượng giảm nhưng thừa nhận rủi ro nó có thể bị dừng hoạt động trong nhiều năm. "Chúng ta phải làm gì đó nếu không muốn phá hủy ngành sản xuất nhôm của châu Âu. Nếu châu Âu coi nhôm là kim loại chiến lược, các nhà máy nhôm cần được đảm bảo giá điện", ông nói.
Nguồn: Bloomberg