Vẫn vướng quy định "giấy chứng nhận"
Bộ Giao thông vận tải vừa ban hành Thông tư 03 quy định về kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với ô tô nhập khẩu thuộc đối tượng của Nghị định 116. Thông tư có hiệu lực từ ngày 1/3/2018.
Liên quan tới “giấy chứng nhận chất lượng ô tô nhập khẩu”, một trong những nội dung gây tranh cãi trong thời gian qua về cơ bản không có gì thay đổi so với Nghị định 116 đã quy định.
Cụ thể, thông tư nêu rõ, giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại ô tô nhập khẩu là giấy chứng nhận về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với kiểu loại ô tô hoặc gồm giấy chứng nhận về chất lượng an toàn kỹ thuật đối với kiểu loại ô tô và giấy chứng nhận về bảo vệ môi trường đối với kiểu loại ô tô hoặc kiểu loại động cơ.
Trao đổi với BizLIVE, ông Phạm Anh Tuấn - Trưởng tiểu ban chính sách của VAMA cho rằng bản chất quy định này không có sự thay đổi, vẫn là "gây khó" đối với các doanh nghiệp nhập khẩu.
"Theo Thông tư 03 vừa ban hành, doanh nghiệp có thể sử dụng hai loại giấy chứng nhận riêng biệt về kiểm chất chất lượng an toàn kỹ thuật và giấy chứng nhận bảo vệ môi trường", ông Tuấn nói và cho rằng điều này cũng chỉ có thể giúp ích một vài doanh nghiệp trong một số trường hợp. Còn nhìn chung, Thông tư không có điểm gì mới hay khác so với Nghị định 116 cả.
Trước đó, trong năm 2017, hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) đã bốn lần liên tiếp gửi kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành liên quan kêu khó vì không thể đáp ứng được yêu cầu này.
Doanh nghiệp cho rằng quy định phải có giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại ô tô nhập khẩu được cấp bởi cơ quan có thẩm quyền ở nước ngoài mới được đăng kiểm được cho là rào cản lớn nhất với nhiều nhà nhập khẩu ô tô nguyên chiếc kể ngày 1/1/2018 tới.
"Theo thông lệ quốc tế, nước nhập khẩu là quốc gia sẽ tiến hành thử nghiệm và cấp giấy chứng nhận kiểu loại cho xe nhập vào nước mình, không có nước nào trên thế giới yêu cầu nước xuất khẩu phải cấp giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại cho xe xuất khẩu vào nước khác", ông Tuấn nói.
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, một số nước không áp dụng giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại; hoặc có giấy chứng nhận nhưng có sự khác biệt về vị trí tay lái và thông số kỹ thuật. Các xe sản xuất cho thị trường Châu Âu và Nhật Bản đều theo tiêu chuẩn khí thải Euro 6 và có thể không tương thích với nhiên liệu hiện đang được cung cấp tại Việt Nam.
Xe nhập từ khu vực Đông Nam Á (chủ yếu từ Thái Lan, Indonesia, Malaysia) có tay lái bên phải, nếu sử dụng giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại của nước sở tại, sẽ không được Cục Đăng kiểm Việt Nam chấp nhận.
"Vì thế, yêu cầu xe phải được cơ quan có thẩm quyền nước ngoài cấp giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại, để nhập về Việt Nam không thể thực hiện được tại thời điểm hiện tại", ông Phong nói.
Giấc mơ giá xe rẻ tan vỡ
Ông Phạm Anh Tuấn - Trưởng tiểu ban chính sách của VAMA cho biết đến nay là ngày cuối tháng 1/2018 mà số lượng xe nhập khẩu về Việt Nam "đếm trên đầu ngón tay". Trong khi đó thời điểm này mọi năm thì doanh nghiệp "đua" nhau nhập xe về bán Tết.
"Nếu đi khảo sát một vòng quanh các đại lý sẽ thấy chủ yếu giờ họ toàn xe trong nước. Như Toyota thì còn có xe sản xuất trong nước để bán bù khi không nhập khẩu được nhưng như LEXUS thì không có, đành chịu", ông Tuấn nói.
Theo thống kê mới công bố của Tổng cục Hải quan, 15 ngày đầu của tháng 1/2018, cả nước nhập về có 60 chiếc ô tô các loại. Trong đó, số ô tô dưới 9 chỗ chỉ vỏn vẹn có 6 chiếc. Điều đáng nói, 6 chiếc ô tô đó không được nhập về với mục đích thương mại mà khả năng cao được đưa về dưới dạng quà tặng hoặc thuộc diện xe ngoại giao.
Những con số này cho thấy hoàn toàn trái ngược với cảnh sôi động những ngày cuối năm 2017, khi các hãng xe tranh thủ thông quan các lô hàng của mình để "chạy" Nghị định 116. Nếu so với nửa tháng trước từ ngày 16 đến ngày 31/12/2017 lượng xe nhập về Việt Nam cao gấp 1.000 lần.
Cụ thể, 15 ngày cuối tháng 12.2017, cả nước nhập 6.599 xe hơi nguyên chiếc các loại, trong đó riêng xe dưới 9 chỗ ngồi là 2.866 chiếc.Còn nếu so với cùng kỳ năm trước, nửa tháng đầu năm 2017 cả nước nhập 4.926 xe hơi nguyên chiếc các loại, trong đó xe dưới 9 chỗ ngồi là 3.704 chiếc.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho biết, hiện cứ 1.000 người Việt Nam mới có 16 người sở hữu ô tô, thấp hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực (Malaysia là 341 xe/1.000 dân, Thái Lan 196 xe/1.000 dân, Indonesia 55 xe/1.000 dân), cho thấy tiềm năng mở rộng thị trường ô tô ở Việt Nam.
"Về nguyên tắc, người tiêu dùng sẽ tăng khả năng tiếp cận xe hơi chất lượng cao, giá cạnh tranh, nếu thị trường có nhiều hàng hóa và có sự cạnh tranh thực sự giữa các nhà cung cấp đa dạng, không độc quyền", ông Phong nói.
Theo ông Phong, mặc dù mục tiêu của Nghị định số 116 là góp phần bảo đảm cho người tiêu dùng tăng cơ hội sở hữu xe chất lượng ngày càng tốt hơn; song một số hàng rào kỹ thuật mới sẽ khiến chi phí nhập khẩu và kiểm định tăng lên, các lô xe ô tô nhập khẩu mới (chưa qua sử dụng) bị đội chi phí, dẫn tới giá xe bán ra cho khách hàng cũng sẽ tăng thêm.
Trên thực tế, một số nhà nhập khẩu đã có động thái ngừng nhận đặt hàng, hoặc đàm phán lại với khách đã đặt các mẫu xe mới, do không thể đảm bảo trước thời gian chính xác xe sẽ được thông quan trước các hàng rào kỹ thuật mới này.
Nhìn nhận về bức tranh thị trường ô tô nhập khẩu thời gian tới, ông Phạm Anh Tuấn cho rằng sẽ khá ảm đạm nếu vẫn kiên quyết thực hiện quy định về giấy chứng nhận chất lượng xe nhập khẩu. Bên cạnh đó trước lo ngại về việc "khan hàng sẽ tăng giá", ông Tuấn cho rằng việc này thị trường sẽ điều tiết, khả năng bị "đẩy" giá là có thể.
Ngoài ra, cũng theo Thông tư 03, các hãng xe còn phải đáp ứng được một số yêu cầu mới khác. Cụ thể, nếu như trước đây một loại xe về nước chỉ phải kiểm định chiếc đầu tiên thì nay mỗi lô xe về cảng đều phải chọn ra một chiếc để kiểm định, cho dù các lô đều cùng một loại xe.
Theo đó, cơ quan kiểm tra sẽ lấy ngẫu nhiên 1 hoặc 2 xe mẫu (trong trường hợp doanh nghiệp có yêu cầu dùng 1 mẫu để thử nghiệm an toàn và dùng 1 mẫu để thử nghiệm khí thải) đại diện cho từng kiểu loại ô tô trong lô xe nhập khẩu đã được kiểm tra để doanh nghiệp nhập khẩu tự đưa xe đến các cơ sở thử nghiệm. Tại đây, xe sẽ được thử nghiệm về khí thải và chất lượng an toàn kỹ thuật. Kết quả thử nghiệm là căn cứ để cơ quan kiểm tra cấp chứng chỉ chất lượng...