Bắt tay trục lợi
Trong một số vụ án đánh bạc trực tuyến khủng bị phát hiện có liên quan trang đánh bạc Rikvip, cơ quan chức năng nhận định các đơn vị trung gian thanh toán cũng được hưởng lợi nhờ cung cấp dịch vụ thanh toán cho sòng bạc Rikvip.
Cụ thể, tại vụ Phan Sào Nam, tiền nạp từ thẻ viễn thông và thẻ game là 9.296 tỷ đồng, (chiếm 97%); tiền từ các ngân hàng là 168 tỷ đồng (chiếm 1,75%); tiền từ các công ty trung gian thanh toán hơn 200 tỷ đồng. Trong đó, các doanh nghiệp viễn thông như Vinaphone, Mobifone, Viettel… hưởng lợi khoảng 1.402 tỷ đồng (tương đương 16% tổng giá trị thẻ nạp). Các công ty trung gian khác như Cty Cổ phần dịch vụ Home Direct hưởng 8,9 tỷ đồng; Cty Cổ phần Thanh toán điện tử VNPT EPAY54 tỷ đồng; Cty Cổ phần Cổng trung gian thanh toán Ngân lượng 481 triệu đồng; Cty GTS hơn 188 tỷ đồng…
Đáng chú ý, cơ quan chức năng cũng khởi tố một số lãnh đạo của Cty Cổ phần dịch vụ Home Direct và Cty Cổ phần Thanh toán điện tử VNPT EPAY… về tội “tổ chức đánh bạc” vì có hành vi tiếp tay cho sòng bạc Rikvip khi họ biết rõ đây là sòng bạc trái phép nhưng vẫn hợp tác, cung cấp dịch vụ thanh toán. Thời điểm đó, do hành lang pháp lý chưa chặt chẽ, hoạt động này không được Ngân hàng Nhà nước coi là trung gian thanh toán để quản lý, trong khi Bộ Thông tin và Truyền thông cũng không quản lý hoạt động thanh toán bằng thẻ cào.
Hoạt động đánh bạc, vi phạm pháp luật ngày càng nở rộ một phần đến từ việc nạp tiền dễ dàng
Gần đây, hoạt động đánh bạc , cá độ… qua mạng tiếp tục nở rộ với số tiền ngày càng lớn. Các hình thức nạp tiền, thanh toán trên sòng bạc không những không bị giới hạn, mà trở nên dễ dàng hơn trước. Con bạc giờ đây không phải nạp tiền một cách lén lút qua các thẻ cào điện thoại như trước, mà công khai qua các ví điện tử (như Momo, Zalo Pay, Viettel Pay…), tiền điện tử, tài khoản ngân hàng. Đặc biệt, các đối tượng sử dụng hình thức chuyển tiền bằng tiền kỹ thuật số nên một lượng tiền lớn trong nước có thể được “rửa” trái phép để tuồn ra nước ngoài.
Trung gian thanh toán khó vô can
Trao đổi với Tiền Phong, đại diện nhiều công ty trung gian thanh toán cho rằng, các ví điện tử đều nắm bắt được thông tin tài khoản của đầu đến và đầu đi. Mọi câu trả lời của họ đều giống nhau và đều thể hiện trách nhiệm. Thế nhưng, trung gian thanh toán chính là “những mạch máu” đổ về “khối u” cờ bạc, nên liệu có thể nói rằng họ vô can?
Ông Đinh Hồng Quân,TGĐ Cty Cổ phần Cổng trung gian thanh toán Ngân Lượng cho biết, đối với ví điện tử, số tiền giao dịch giới hạn 10 triệu đồng/ngày và 100 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, những tài khoản phục vụ cho mục đích cờ bạc online, cá độ…thường chia nhỏ số tiền giao dịch để tránh sự chú ý. Thậm chí, đối tượng còn thuê người lập tài khoản, nhờ hộ ví điện tử để chuyển tiền. Do đó về bản chất, việc giao dịch vẫn được thực hiện đúng quy định.Với những ví giao dịch lớn, biến động thường xuyên, công ty sẽ đưa vào diện nghi ngờ, giám sát.
“Trong bối cảnh giao dịch không dùng tiền mặt ngày càng trở thành xu thế, việc các ví điện tử, ngân hàng bị lợi dụng khó tránh khỏi. Đây là một hạn chế trong việc phát triển các ví điện tử hiện nay”, ông Quân nói.
Bà Nguyễn Huyên Phương, Đại diện truyền thông Cty Cổ phần dịch vụ Di động trực tuyến (đơn vị sở hữu ví điện tử Momo) cho biết, vừa qua đơn vị này cũng phát hiện nhiều trường hợp sử dụng dịch vụ ví điện tử Momo để thực hiện các hành vi vi phạm như cờ bạc, cá cược bất hợp pháp, lừa đảo ...Qua rà soát, công ty nhận diện 18 trang thông tin điện tử có hành vi lợi dụng thương hiệu MoMo.
Theo bà Phương, Momo không cho phép người Việt ở nước ngoài đăng ký tài khoản và không giao dịch ngoài lãnh thổ. Để sử dụng MoMo, người dùng phải có số điện thoại ở Việt Nam, đồng thời, tài khoản phải được liên kết với tài khoản thanh toán của ngân hàng trong nước nên về bản chất dòng tiền trên các sòng bạc vẫn ở trong nước. Tuy vậy, bà Phương cũng nói “việc ngăn chặn hoàn toàn rất khó”.
Đại diện Zalo Pay cũng thông tin, với giao dịch phục vụ cho mục đích cờ bạc online, đơn vị này cũng chỉ rà soát theo diện đáng ngờ. Khi phát hiện, Zalo Pay thực hiện báo cáo và phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý.
Luật sư Trương Thanh Đức (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, dù các đơn vị trung gian thanh toán không có nghĩa vụ và không kiểm soát mục đích sử dụng của khách hàng, nhưng không vì thế mà buông lỏng việc kiểm tra, giám sát. Các đơn vị phải có trách nhiệm trong việc phát hiện, ngăn chặn kịp thời các giao dịch, tài khoản bất thường. Chẳng hạn, một tài khoản bình thường không thể nhận chuyển tiền từ hàng nghìn tài khoản khác được. Khi có những giao dịch như thế, các đơn vị phải kiểm tra ngay. Việc mở tài khoản cũng cần được xác minh kỹ càng, không thể cho đua nhau mở. Trong trường hợp, các đơn vị trung gian hợp tác cung cấp dịch vụ cho các sòng bạc và được hưởng lợi từ việc này, cơ quan chức năng cần truy cứu trách nhiệm.
Theo Luật sư Đức, hiện chưa có các quy định cụ thể về quản lý đồng tiền kỹ thuật số, xem đây là một loại tài sản nên không ít đối tượng lợi dụng kẽ hở để rửa tiền, chuyển tiền ra nước ngoài. Chính phủ cũng đã giao Ngân hàng Nhà nước xây dựng quy định quản lý tiền kỹ thuật số, thời hạn hoàn thiện cuối năm 2020, nhưng đến nay vẫn chưa xây dựng được.
“Trong khi những đồ vật trong game online đã được xem là tài sản, thì các bộ, ngành vẫn loay hoay với tiền kỹ thuật số, tạo lỗ hổng lớn trong việc quản lý, dẫn tới việc xảy ra nhiều hoạt động phạm pháp để trục lợi, gây nhức nhối trong dư luận”, Luật sư Đức nói.
Đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết, việc phòng ngừa, ngăn chặn giao dịch những hàng hóa, dịch vụ bất hợp pháp, như cờ bạc online là trách nhiệm nhiều bên. Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm thu thập, xử lý thông tin giao dịch đáng ngờ, bất thường để phân tích, đánh giá rủi ro, trong đó có rủi ro lạm dụng ví điện tử, thẻ ngân hàng phục vụ hoạt động cờ bạc để gửi Bộ Công an điều tra, xử lý.
Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các ngân hàng, ví điện tử rà soát toàn bộ quy trình, thủ tục, mở, sử dụng tài khoản,và xác minh thông tin người dùng để ngăn chặn các tài khoản, giao dịch bất thường. Đối với ví điện tử, Ngân hàng Nhà nước cho biết, những đơn vị này phải có trách nhiệm trong việc xác minh các tài khoản, giao dịch, báo cáo những giao dịch đáng ngờ, gửi cho Cục phòng chống rửa tiền; phối hợp chặn giao dịch, khóa tài khoản khi có yêu cầu từ cơ quan chức năng.