15/25 phương tiện kiểm tra vi phạm
Để tăng cường quản lý chất lượng giống thủy sản, trong tháng 2/2020, Tổng cục Thủy sản đã phối hợp với Sở NNPTNT các tỉnh tổ chức ra quân kiểm tra phương tiện vận chuyển giống thủy sản qua địa bàn. Qua kiểm tra, một số địa phương đã thực hiện tốt công tác kiểm soát giống thủy sản như Bạc Liêu, Sóc Trăng.
Sản xuất tôm giống tại Bạc Liêu. Ảnh: Thanh Cường
Từ 18 - 20/2, đoàn công tác của Tổng cục Thủy sản đã phối hợp với đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh Sóc Trăng và Bạc Liêu kiểm tra 25 phương tiện (khoảng 50 triệu con tôm giống) vận chuyển giống thủy sản lưu thông qua địa bàn tỉnh. Theo đó, đoàn đã phát hiện 15 phương tiện vận chuyển vi phạm; trong đó có 21 lô tôm giống (khoảng hơn 20 triệu con giống) không có giấy chứng nhận kiểm dịch giống thủy sản khi lưu thông. |
Tuy nhiên, cũng vẫn phát hiện nhiều cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản không đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của Luật Thủy sản và tình trạng vận chuyển giống thủy sản không có giấy chứng nhận kiểm dịch đến vùng nuôi, gây nguy cơ bùng phát dịch bệnh, ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển ngành thủy sản năm 2020 vẫn còn xảy ra.
Cụ thể, trong 3 đêm từ 18 - 20/2/2020, đoàn công tác của Tổng cục Thủy sản đã phối hợp với đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh Sóc Trăng và Bạc Liêu kiểm tra 25 phương tiện (khoảng 50 triệu con tôm giống) vận chuyển giống thủy sản lưu thông qua địa bàn tỉnh.
Theo đó, đoàn đã phát hiện 15 phương tiện vận chuyển vi phạm; trong đó có 21 lô tôm giống (khoảng hơn 20 triệu con giống) không có giấy chứng nhận kiểm dịch giống thủy sản khi lưu thông.
Theo ông Kiều Trung Dũng-Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Thanh tra (Tổng cục Thủy sản), Trưởng đoàn công tác phối hợp kiểm tra việc vận chuyển giống thủy sản tại Sóc Trăng và Bạc Liêu: “Điều đáng lo ngại là, số phương tiện vận chuyển tôm giống vi phạm về kiểm dịch (không có giấy chứng nhận kiểm dịch, vận chuyển quá số lượng so với giấy chứng nhận kiểm dịch được cấp…) không có dấu hiệu giảm, thậm chí còn có xu hướng tăng so với các năm trước”.
“Nguyên nhân là do từ khi Luật Thủy sản và các văn bản hướng dẫn có hiệu lực, các địa phương không thực hiện kiểm dịch đối với cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản chưa đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của Luật Thủy sản” – ông Dũng nói.
Thực tế, theo báo cáo của các địa phương, số lượng cơ sở đã kiểm tra, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản chỉ đạt khoảng 30%.
Tiêu hủy nếu không có chứng nhận kiểm dịch
Để tăng cường kiểm soát giống thiệt hại, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại cho người dân, ngày 25/2/2020, Tổng cục Thủy sản đã ban hành Công văn số 302/TCTS-PCCTr gửi Sở NNPTNT các tỉnh/thành phố trực thuộc T.Ư chấn chỉnh công tác quản lý điều kiện cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản và lưu thông giống thủy sản; đồng thời thực hiện có hiệu quả Nghị định số 04/2020/NĐ-CP ngày 3/1/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 90/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 quy định xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y.
Theo đó, giống thủy sản lưu thông ngoài thị trường không có giấy chứng nhận kiểm dịch buộc phải tiêu hủy theo quy định tại điểm b, khoản 5, Điều 2 nghị định này. Cụ thể, Tổng cục Thủy sản yêu cầu Sở NNPTNT các tỉnh, thành phố phối hợp với các lực lượng chức năng tổ chức kiểm tra, giám sát điều kiện cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản theo quy định tại Luật Thủy sản và các văn bản hướng dẫn luật; thực hiện nghiêm các văn bản của Bộ NNPTNT về quản lý giống thủy sản và Quy chế số 02/QCPH-GTS ngày 18/1/2019 về việc phối hợp quản lý giống tôm nước lợ; công khai danh sách cơ sở đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản.
Tổ chức kiểm soát phương tiện vận chuyển giống thủy sản qua địa bàn; xử lý nghiêm phương tiện vận chuyển, thực hiện tiêu hủy giống thủy sản không có giấy chứng nhận kiểm dịch theo quy định tại điểm b, khoản 5 Điều 2 Nghị định số 04/2020/NĐ-CP ngày 3/1/2020 của Chính phủ.
Bố trí địa điểm, đảm bảo nguồn lực để thực hiện tiêu hủy giống thủy sản không có giấy chứng nhận kiểm dịch; trình tự, thủ tục tiêu hủy áp dụng quy định tại khoản 1, Điều 8 Thông tư số 26/2018/TT-BNNPTNT ngày 15/11/2018 về quản lý giống thủy sản, thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản; công khai các trường hợp vi phạm, đồng thời báo cáo về Tổng cục Thuỷ sản để truy xuất tận gốc cơ sở vi phạm.
Tuyên truyền, hướng dẫn các tổ chức/cá nhân hoạt động trong lĩnh vực vận tải chỉ vận chuyển đối với giống thủy sản có giấy chứng nhận kiểm dịch theo quy định của pháp luật về thú y.
“Trong năm 2020, Tổng cục Thủy sản sẽ thường xuyên phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức thanh tra, kiểm tra đột xuất cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản vi phạm quy định của pháp luật về quản lý giống thủy sản”- ông Dũng nhấn mạnh.