Luật hoá quy định xử lý kỷ luật hành chính đối với cán bộ, công chức đã nghỉ hưu là một trong những nội dung mới đáng chú ý tại dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức đang được Bộ Nội vụ lấy ý kiến.
Theo Bộ Nội vụ, trong thời gian vừa qua, một số trường hợp là cán bộ, công chức có vi phạm trong thời gian công tác nhưng đã nghỉ hưu hoặc chuyển công tác ra khỏi khu vực nhà nước đã bị xử lý kỷ luật về Đảng và xử lý kỷ luật về chính quyền.
Tuy nhiên, hiện pháp luật hiện hành chưa có quy định điều chỉnh vấn đề này, vì vậy cần nghiên cứu, bổ sung quy định về việc xử lý kỷ luật hành chính đối với cán bộ, công chức đã nghỉ hưu hoặc chuyển công tác tại Luật Cán bộ, công chức để đồng bộ với kỷ luật về Đảng.
Bên cạnh đó, quy định về thời hiệu xử lý kỷ luật là 24 tháng kể từ thời điểm có hành vi vi phạm đến khi phát hiện hành vi vi phạm kỷ luật của cán bộ, công chức là quá ngắn, không bảo đảm tính nghiêm khắc đối với việc xử lý cán bộ, công chức có hành vi vi phạm. Một số trường hợp đã bị xử lý kỷ luật về Đảng (hoặc đã bị xử lý hình sự nhưng cho hưởng án treo) khi xét kỷ luật theo quy định của luật thì đã hết thời hiệu.
Thuyết minh sự cần thiết sửa đổi nội dung trên, Bộ Nội vụ cũng nêu rõ, nghị quyết Hội nghị Trung ương 7, khóa 12 tiếp tục khẳng định yêu cầu xây dựng quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác cán bộ và quản lý cán bộ; xử lý nghiêm những người có sai phạm, kể cả khi đã chuyển công tác hoặc nghỉ hưu.
Theo đó, dự thảo luật bổ sung một khoản vào 78 của luật hiện hành về các hình thức kỷ luật đối với cán bộ:
"5. Cán bộ sau khi nghỉ việc hoặc nghỉ hưu mới phát hiện có hành vi vi phạm trong thời gian công tác và đã bị cơ quan có thẩm quyền xử lý kỷ luật về Đảng thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm phải chịu một trong những hình thức kỷ luật sau đây:
a) Khiển trách;
b) Cảnh cáo;
c) Xóa tư cách chức vụ, chức danh đã đảm nhiệm tại thời điểm có hành vi vi phạm".
Tương tự, điều 79 quy định các hình thức kỷ luật đối với công chức cũng bổ sung nội dung: "Công chức sau khi nghỉ việc hoặc nghỉ hưu mới phát hiện có hành vi vi phạm trong thời gian công tác và đã bị cơ quan có thẩm quyền xử lý kỷ luật về Đảng thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm phải chịu một trong những hình thức kỷ luật sau đây:
a) Khiển trách;
b) Cảnh cáo;
c) Cách chức chức vụ đã đảm nhiệm tại thời điểm có hành vi vi phạm".
Dự thảo luật cũng quy định thời hiệu xử lý kỷ luật là 60 tháng, kể từ thời điểm có hành vi vi phạm thay vì 24 tháng như luật hiện hành.
Đối với các hành vi vi phạm đặc biệt nghiêm trọng sau đây thì không áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật:
a) Cán bộ, công chức đang công tác hoặc cán bộ, công chức sau khi chuyển công tác, nghỉ hưu, nghỉ việc có hành vi vi phạm nghiêm trọng đã bị xử lý kỷ luật đảng bằng hình thức khai trừ khỏi đảng.
b) Có hành vi vi phạm về công tác bảo vệ chính trị nội bộ;
c) Có hành vi xâm hại đến lợi ích quốc gia trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đối ngoại;
d) Sử dụng văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận, xác nhận giả, không hợp pháp.
Ngoài nội dung trên, Bộ Nội vụ còn đề xuất sửa đổi một số quy định liên quan đến vấn đề tuyển dụng và thu hút, trọng dụng nhân tài theo hướng cụ thể hơn, phân cấp cho các bộ, ngành, địa phương căn cứ vào đặc thù ngành, lĩnh vực quản lý quy định cụ thể việcthu hút nhân tài, thu hút đội ngũ viên chức có chuyên môn, nghiệp vụ giỏi vào làm việc trong cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống chính trị và trong đơn vị sự nghiệp công lập.
Các quy định về đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức cũng được sửa đổi bảo đảm thống nhất với phân loại theo quy định của Đảng; hoàn thiện các quy định về tiêu chí phân loại theo hướng lượng hóa; giao quyền cho người trực tiếp sử dụng lao động trong việc đánh giá cán bộ, công chức, viên chức; thực hiện nghiêm việc đánh giá, phân loại công chức, viên chức hằng năm theo quy định hiện hành để đưa ra khỏi đội ngũ những người có 2 năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ, bảo đảm tính cạnh tranh, tránh tình trạng chây ỳ, tâm lý "biên chế suốt đời"; có cơ chế để hạn chế sự lạm quyền, trù dập, đồng thời bảo đảm khách quan, trung thực, bảo đảm công tác lãnh đạo của cấp ủy.