Đại diện Bộ công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tư pháp và hơn 40 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực hương nhang tham dự buổi làm việc. Theo VCCI, thông báo mới đây về nhập khẩu hương nhang của Ấn Độ là chuyển từ “nhập khẩu tự do” sang “nhập khẩu hạn chế” (từ 31/8/2019). Điều này dẫn tới việc nhập khẩu sản phẩm này vào Ấn Độ phải xin giấy phép và được sự chấp thuận của cơ quan chức năng Ấn Độ. Việc cấp phép này có hạn mức hoặc có thể không được cấp phép.
Anh Trần Văn Trãi, một hộ sản xuất hương ở xã Phú Túc (huyện Phú Xuyên, Hà Nội) phải tạm dừng sản xuất do không xuất được hàng sang Ấn Độ
Như Tiền phong phản ánh trong bài “Lao đao một làng nghề” ra ngày 16/9, các làng nghề, doanh nghiệp chịu thiệt hại nặng nề về quy định này. Tại cuộc họp, nhiều tổ chức cá nhân tiếp tục kêu khó. Đơn cử, ông Phan Thành Luân, GĐ Cty Xuất nhập khẩu Liên Thành tại TP. Hồ Chí Minh cho biết, các doanh nghiệp xuất khẩu hương đang tồn kho 10.000 tấn hàng thành phẩm, trị giá khoảng 5,6 triệu USD và khoảng 30.000 tấn nguyên liệu, giá trị xấp xỉ 17,4 triệu USD. Ông Nguyễn Văn Giáp đại diện cho các hộ sản xuất hương ở tỉnh Thái Bình thông tin, việc dừng xuất khẩu hương nhang sang Ấn Độ khiến các hộ sản xuất ở tỉnh này thiệt hại hơn 2,8 tỷ đồng/ngày và ảnh hưởng việc làm của hơn 11 nghìn lao động.
Theo Bộ Công thương, nguyên nhân Ấn Độ hạn chế nhập hương nhang của Việt Nam vì giá thành sản phẩm này của Việt Nam rẻ, số lượng hương nhang nhập khẩu của Việt Nam vào Ấn Độ chiếm khoảng 90% lượng hương nhang nhập khẩu của nước này. Việc nhập khẩu hương nhang của Việt Nam vào Ấn Độ lâu nay không bị khống chế số lượng và được hưởng ưu đãi thuế theo các hiệp định thương mại. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp sản xuất hương nhang của Ấn Độ phải đóng cửa. Tuy nhiên, việc Ấn Độ hạn chế nhập khẩu cũng đang gây khó khăn lớn cho các làng nghề, doanh nghiệp sản xuất hương nhang tại Việt Nam.
Ông Trần Thanh Hải, Cục Phó Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương cho hay: Bộ Công thương sẽ phối hợp với Bộ Ngoại giao để phản đối thông báo hạn chế nhập khẩu hương của Ấn Độ ở cấp độ cao hơn. Đồng thời, Bộ Công thương đề nghị Đại sứ quán Việt Nam ở Ấn Độ theo sát sự việc này. “Qua sự việc lần này, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực hương nhang cần thành lập hiệp hội để có tiếng nói chung và đa dạng thị trường xuất khẩu, dự phòng các phương án nhằm ứng phó với tình trạng tương tự”, ông Hải cho biết.