Tờ Forbes phiên bản Israel với tựa: "Tại sao chúng ta nên nghĩ nhiều hơn đến Việt Nam?" đã phân tích các thành tựu từ chính trị, kinh tế, ngoại giao đến thành công chống đại dịch Covid-19 của đất nước hình chữ S.
Về kinh tế, Việt Nam là một trong số những quốc gia có tăng trưởng cao nhất với khi GDP 2019 đạt 7,02%. Việt Nam cũng có xuất khẩu thặng dự liên tục trong 4 năm trong khi số lượng quốc gia thâm hụt thương mại gia tăng.
Điều này có được nhờ Việt Nam không ngừng cải thiện môi trường kinh doanh, cấu trúc lại nền kinh tế. Chỉ số cạnh tranh toàn cầu công bố năm 2019 cho biết thứ hạng của Việt Nam đã tăng 10 bậc – đạt vị trí 67 so với năm 2018, một bước nhảy đáng kể. World Bank cũng đánh giá Việt Nam có tiến bộ đáng kể về cải thiện môi trường kinh doanh trong 10 năm qua.
Nhờ vậy, đất nước đã thu hút được nhiều nhà đầu tư nước ngoài. FDI cam kết vào Việt Nam trong năm 2019 đã vượt 38 tỷ USD, cao nhất trong một thập kỷ qua.
Ngoài ra, 12 Hiệp định thương mại tự do (FTA) – đặc biệt là EVFTA, CPTPP cũng tạo ra sự liên kết sâu, rộng cho đất nước hình chữ S. Riêng với EVFTA, đây là thoả thuận đầu tiên của khối EU với một quốc gia đang phát triển ở châu Á.
Bên cạnh kinh tế, cách thức đối phó với đại dịch Covid-19 của Việt Nam cũng được phiên bản Forbes này lưu tâm. Theo đó, thành công trong việc kiểm soát đại dịch COVID-19 ở trong nước cho phép Việt Nam có nhiều không gian hơn để thực hiện vai trò của mình trong các diễn đàn ngoại giao khu vực và quốc tế, đặc biệt với vai trò là Chủ tịch ASEAN 2020 và thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020 – 2021.
Những điều này, cộng với việc Việt Nam là quốc gia mở cửa trở lại sau khi kiểm soát tốt bệnh dịch đã được Forbes khuyến nghị các nhà đầu tư nước ngoài nên quan tâm nhiều hơn đến thị trường này, trong bối cảnh nhiều nước đang chìm trong dịch bệnh và nguy cơ suy thoái hiện hữu nhiều hơn trên toàn cầu.
PGS. TS. Vũ Minh Khương, trường Chính sách công Lý Quang Diệu (ĐH Quốc gia Singapore) cũng nhìn nhận định: Kể từ khi cải cách bắt đầu, chưa bao giờ Việt Nam được chú ý với thái độ vị nể như hiện nay. Mỗi cải cách tiếp theo nếu được thiết kế kỹ càng, hiệu ứng cộng hưởng này sẽ rất lớn.
Ông nhấn mạnh cơ hội lớn và Việt Nam cần những chiến lược đặc biệt để nắm bắt. Cụ thể, có 3 vấn đề lớn được ông lưu ý.
Thứ nhất, Việt Nam cần được định vị có lợi thế đặc biệt về "sự tin cậy chiến lược". Điều này lớn hơn nhiều lợi thế về chi phí lao động, đặc biệt trong dài hạn.
Trong điểm nhấn này, Việt Nam cần đưa ra các thể chế ưu tú mà các doanh nghiệp FDI lớn, có uy tín đã được hưởng. "Chúng ta cần để nhà đầu tư thấy được sự thật tâm, trân trọng, và ý thức chiến lược trong xây dựng nền móng cho hợp tác lâu dài", ông nói.
Thứ hai cần tính rất kỹ đến thách thức trong cơ hội. Đơn cử như các KCN hậu dịch Covid-19 cần được xây dựng để hoạt động thuận lợi ngay cả khi có dịch bệnh. Trong thời gian tới, tăng hiệu lực bền vững sẽ quan trọng không kém tăng hiệu quả vận hành.
Thứ ba là phải có kế hoạch hành động đặc sắc, khiến nhà đầu tư thán phục. "Đấy không phải những ưu đãi về thuế, hay giảm chi phí, mà là thể chế quản lý", ông nhấn mạnh.
Theo ông, khi đánh giá về ứng xử của các cơ quan công quyền, các nhà đầu tư ở một nước đang phát triển thường ở một trong hai trạng thái: nhẫn chịu (sacrifice) vì mình đang kiếm lợi ở đây hoặc ngạc nhiên hứng thú (surprise) vì thấy Chính phủ đưa ra quyết sách quá hay, thế giới nên đến học tập.
"Bước đường đi lên của Việt Nam trong thu hút FDI trong thời gian tới không nằm nhiều ở ưu đãi đặc biệt mà ở số lượng ngạc nhiên mà Chính phủ và các địa phương tạo ra cho các nhà đầu tư", ông Vũ Minh Khương nhận định.