Sở Kế hoạch và Đầu tư vừa thông tin cho biết hiện đã nhận được văn bản của 10 doanh nghiệp đề nghị được tham gia đấu thầu dự án Bình Quới - Thanh Đa.
Theo đó, danh sách các nhà đầu tư bao gồm: Công ty TNHH Roytrade; Công ty CP Đầu tư Quốc tế FED Việt Nam; Công ty TNHH TM Petro Đông Nam Á; Liên danh Công ty CP Đầu tư Golden Star và Công ty TNHH Capital Land; Liên danh Công ty CP Đầu tư Thương mại DV Thuận Tuấn, Công ty Golden Wealth Golbal Pty. Ltd; Công ty CP xử lý ùn tắc giao thông - môi trường; Công ty CP Quy hoạch- Kiến trúc Gia Bảo; Liên danh Công ty CP AGR.3000 Việt Nam, Gaudha Putih (Thaidand) và Công ty CP Tập đoàn PTDT Thái Thành Vân; Công ty CP Tập đoàn Sunshine; Công ty TNHH TMDV Khách sạn Tân Hoàng Minh.
Trong đó Tập đoàn Tân Hoàng Minh đề xuất lập đồ án quy hoạch dự án khu đô thị dự án Bình Quới - Thanh Đa.
Các nhà đầu tư đã đưa ra những điều kiện thể hiện trách nhiệm với TPHCM muốn tham gia đấu thầu và phát triển dự án trên. Một số nhà đầu tư có cho biết sẽ xây tặng TPHCM một số cây cầu (theo quy hoạch) nối vào bán đảo Thanh Đa nếu họ trúng thầu. Tuy nhiên cũng đưa ra những yêu cầu của TPHCM đối với nhà đầu tư nếu trúng thầu, như thời gian giao đất, chi phí giải phóng mặt bằng…
Trước đó, UBND TPHCM cũng công bố cho biết một số nhà đầu tư cam kết ký quỹ trước khi tham gia đấu thầu với số tiền hơn 3 tỷ USD. Tuy nhiên, một điều lạ là trong danh sách những "ông lớn" muốn tham gia phát triển siêu dự án này, tập đoàn Bitexco đã không có tên trong danh sách.
Về vấn đề này, trao đổi với chúng tôi chiều 14/3, một đại diện của tập đoàn Bitexco cho rằng từ năm 2010, Tập đoàn Bitexco và Tập đoàn Emaar Properties PJSC bắt đầu đề xuất với TPHCM về quy hoạch dự án Khu đô thị Bình Quới – Thanh Đa. Tháng 10/2011, Thành ủy đã chấp thuận chủ trương lựa chọn nhà đầu tư, UBND TPHCM đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Tháng 9/2011 Thủ tướng Chính phủ có văn bản đồng ý về chủ trương lựa chọn chỉ định nhà đầu tư thực hiện dự án.
Trên cơ sở đó, các Sở-Ngành có liên quan (Tổ liên ngành của dự án) đã tổ chức họp nhiều lần để xem xét, đánh giá năng lực tài chính và kinh nghiệm của Liên danh để trình UBND TPHCM phê duyệt các quyết định "Kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư", "Hồ sơ yêu cầu"...
Ngày 26/11/2015, UBND TPHCM ban hành Quyết định số 6288/QĐ-UBND về duyệt Kết quả chỉ định Nhà đầu tư thực hiện dự án Khu đô thị Bình Quới – Thanh Đa, phường 28, quận Bình Thạnh (Liên danh Tập đoàn Bitexco và Tập đoàn Emaar Properties PJSC).
Tuy nhiên, quá trình thảo luận chi tiết Hợp đồng thực hiện dự án, Emaar Properties PJSC đã bày tỏ sự lo ngại về các vấn đề: thời gian hoàn thành pháp lý dự án quá kéo dài (đề xuất từ năm 2010 nhưng đến năm 2015 mới hoàn tất được thủ tục chỉ định nhà đầu tư); tổng chi phí đầu tư về đất (bao gồm tiền bồi thường và tiền sử dụng đất); thời gian hoàn tất việc giải phóng mặt bằng…; cơ chế chính sách không rõ ràng sẽ dẫn đến rủi ro cho dự án. Vì vậy, Emaar Properties PJSC đã xin rút khỏi dự án và chuyển hướng đầu tư sang quốc gia khác.
Cũng theo Bitexco, tăm 2016, hai bên đã ký thỏa thuận chấm dứt Liên danh và tập đoàn Bitexco đã đề xuất với UBND TPHCM xử lý tình huống cho phép Bitexco tiếp tục thực hiện dự án. Trên cơ sở chứng minh năng lực của Bitexco, ngày 29/6/2017, UBND TPHCM có Công văn số 4015/UBND-DA gửi Thủ tướng Chính phủ về nhà đầu tư thực hiện dự án Khu đô thị Bình Quới – Thanh Đa.
Ngày 18/9/2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Công văn số 1415/TTg-CN gửi UBND TPHCM về nhà đầu tư thực hiện dự án Khu đô thị Bình Quới – Thanh Đa, trong đó cho phép UBND TPHCM xem xét, quyết định xử lý tình huống theo thẩm quyền để tiếp tục lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án theo quy định pháp luật… đảm bảo thực hiện theo đúng ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 47/TTg-KTN ngày 06/9/2011.
Ngày 18/10/2017, tại cuộc họp tổ công tác liên ngành về giải quyết tình huống đối với việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án Bình Quới – Thanh Đa theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các thành viên Tổ Công tác đã xác định lại rằng tập đoàn Bitexco đáp ứng đủ các tiêu chí yêu cầu về năng lực kinh nghiệm, năng lực tài chính theo quy định của pháp luật hiện hành và kiến nghị UBND TPHCM xử lý tình huống theo như phương án xử lý tình huống trước đây Tổ Công tác đã thống nhất đề xuất UBND thành phố.
Khu đất rộng hơn 400ha này đã bị "treo" suốt 22 năm qua, giờ đang trở lại vạch xuất phát tìm kiếm các nhà đầu tư tiềm năng.
"Hiện nay chúng tôi vẫn chờ đợi UBND thành phố xem xét, điều chỉnh Quyết định chỉ định nhà đầu tư số 6288/QĐ-UBND ngày 26/11/2015 được ban hành bởi UBND thành phố. Nhiều năm liền chúng tôi đã dồn tâm huyết, thời gian, chi phí để theo đuổi, đóng góp vào dự án với hàng trăm văn bản giải quyết sự việc nhằm mong muốn phát triển nơi đây trở thành một khu đô thị hiện đại, sáng tạo, thông minh và có thể trở thành đô thị vệ tinh của TPHCM", vị đại diện tập đoàn này nói thêm.
Tuy nhiên, phía doanh nghiệp này cho rằng việc thành phố quyết định đưa dự án ra đấu thầu rộng rãi nhưng lại chưa thấy công khai tên Bitexco là một điều khó hiểu, bởi theo các quyết định trước đây thì Bitexco vẫn đang là nhà đầu tư tại khu Bình Quới - Thanh Đa. Theo Bitexco, nếu tổ chức đấu thầu lại thì thời gian cho các bước theo Luật Đấu thầu 2013 và Nghị định số 30/2015/NĐ-CP là hơn 700 ngày (hơn 2 năm).
"Hiện nay, Bitexco đang chờ đợi Quyết định của UBND thành phố phê duyệt nhà đầu tư vì tại ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn 1415/TTg-CN ngày 18/9/2017 đã đồng ý để TPHCM được xử lý tình huống theo quy định tại Điều 86 Luật Đầu Thầu. Cho dù có tổ chức đấu thầu thì chúng tôi cũng sẽ nộp hồ sơ tham gia chứ không thể nào bỏ cuộc", đại diện Bitexco cho biết.