Đồ án của Hà Nội chưa phân tích, tính toán đầy đủ
Trong văn bản của Bộ Xây dựng vừa chính thức phúc đáp UBND TP Hà Nội về việc đóng góp ý kiến Đồ án quy hoạch phân khu đô thị khu vực ga Hà Nội và phụ cận tỉ lệ 1/2.000, nêu rõ theo Quy hoạch chung, khu vực nghiên cứu Quy hoạch phân khu đô thị ga Hà Nội nằm trên địa bàn 4 quận nội thành, là khu nội đô lịch sử hạn chế phát triển, không xây dựng nhà ở cao tầng mới và gia tăng dân số.
Quy hoạch phân khu ga Hà Nội có phạm vi nghiên cứu lập quy hoạch chủ yếu nằm trong Quy hoạch phân khu đô thị H1-3 và một phần nằm trong Quy hoạch phân khu đô thị H1-1 và H1- 4 do UBND thành phố tổ chức lập, thẩm định nhưng đến này chưa được phê duyệt.
Bộ Xây dựng đã có văn bản góp ý cụ thể về nội dung của các đồ án Quy hoạch phân khu đô thị H1-3, H1-1 và H1-4, trong đó yêu cầu có giải pháp quy hoạch cụ thể đối với khu vực ga Hà Nội trước khi phê duyệt đồ án quy hoạch.
Theo Bộ Xây dựng, nội dung Quy hoạch phân khu ga Hà Nội đề xuất cải tạo và xây dựng mới trong phạm vi 98,1ha, có vị trí trung tâm của 4 quận nội thành với phạm vi quy hoạch trên địa bàn 08 phường (5 phường của quận Đống Đa, 3 phường của quận Hoàn Kiếm, Ba Đình và Hai Bà Trưng), đề xuất nhiều nội dung cải tạo chỉnh trang đô thị với quy mô lớn về xây dựng công trình ngầm và công trình nổi, tái định cư, trong đó xây dựng mới một số công trình cao tầng (từ 40 – 70 tầng, chiều cao tới 200m) sẽ có tác động lớn về giao thông và không gian kiến trúc – cảnh quan đô thị đối với khu vực ga nói riêng và khu nội đô lịch sử Hà Nội nói chung, chưa phù hợp với Quy hoạch chung đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011.
Cho ý kiến về dân số, cơ quan này cho rằng, dân số hiện trạng khoảng 40.300 người, dự kiến sau quy hoạch sẽ tăng lên khoảng 44.000 người (tăng khoảng 10%). Ngoài ra, việc hình thành các loại hình dịch vụ thương mại, tài chính, vui chơi giải trí… sẽ làm tăng một số lượng lớn khách vãng lai đến sử dụng các dịch vụ trong khu vực. Vì vậy, quy hoạch phân khu cần nghiên cứu, dự báo và tính toán kỹ về dân số để đảm bảo không gây ra tình trạng quá tải về cở sở hạ tầng đô thị, đặc biệt là giao thông trong khu vực phù hợp với Quy hoạch phân khu đô thị H1- 3, H1-1 và H1-4.
Về hệ thống hạ tầng kỹ thuật, Đồ án của Hà Nội chưa phân tích, tính toán đầy đủ khả năng đáp ứng của hệ thống hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là hệ thống giao thông đô thị đối với việc gia tăng dân số và hình thành các công trình cao tầng, đa năng, dịch vụ tổng hợp. Cần bổ sung và làm rõ quy mô dự báo nhu cầu giao thông cho từng loại hình giao thông trong khu vực (đường bộ, đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị), đặc biệt là dự báo lưu lượng hành khách của các tuyến đường sắt đô thị đường sắt đô thị số 1, số 3 và tuyến Yên Viên – Ngọc Hồi.
Hà Nội cần làm rõ giải pháp và sự gắn kết giữa hệ thống đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị, công nghệ quản lý khai thác gắn với mạng lưới đường bộ, đường hầm đi bộ, giải pháp quy hoạch sử dụng đất và hệ thống hạ tầng kỹ thuật khác (cấp điện, cấp nước, thông tin liên lạc…) nhằm đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong quy hoạch và đầu tư xây dựng. Bổ sung và làm rõ các nội dụng tiếp thu, giải thích các ý kiến góp ý của các tổ chức, các nhân và nhân dân trong khu vực trong quá trình lập, thẩm định quy hoạch…
Đi ngược chính quy định Hà Nội ban hành
Theo Bộ Xây dựng quy định tại Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc công trình cao tầng trong khu vực nội đô lịch sử TP Hà Nội được ban hành theo Quyết định số 11/2016/QĐ-UBND ngày 07/4/2016 của UBND TP Hà Nội thì khu vực phía Đông ga Hà Nội không xây dựng công trình cao tầng; khu vực phía Tây Ga Hà Nội nghiên cứu xây dựng công trình cao tầng nhưng tuân thủ các quy hoạch phân khu đô thị liên quan.
Tuy nhiên, các quy hoạch phân khu chưa được phê duyệt nên chưa có cơ sở xác định chiều cao và số lượng công trình cao tầng ở khu vực này.
Theo ý kiến của các chuyên gia trong lĩnh vực quy hoạch đô thị, việc đề xuất xây dựng một số công trình cao từ 40-70 tầng (khoảng 100-200m) tại khu vực ga Hà và phụ cận là đang đi ngược với Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc công trình cao tầng trong khu vực nội đô lịch sử do chính Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung ký ban hành vào tháng 4 năm 2016.
Quy chế nêu rõ, khu vực này được xây dựng tối đa 18 tầng (tương đương 65m). Đồng thời, các công trình cao phải đảm bảo giảm mật độ xây dựng, tạo không gian thoáng, thông tầng tại các tầng đế, kết nối không gian công cộng với không gian khu vực ga Hà Nội. Cũng theo quy chế này, với phố Lê Duẩn (đoạn từ đường Hai Bà Trưng đến Khâm Thiên) được xây dựng tối đa 9 tầng (tương đương 32m) với điều kiện phía Tây tuyến đường đảm bảo phù hợp cảnh quan khu vực, nghiên cứu bảo tồn công trình ga Hà Nội.
Đồ án quy hoạch khu ga Hà Nội: ‘Xóa sổ’ cả nhà máy nước để xây cao ốc
Giữa lúc người dân Thủ đô nhiều khu vực đang ‘khát’ nước sinh hoạt, Đồ án quy hoạch khu vực ga Hà Nội và phụ cận lại đề xuất di dời cả nhà máy nước sạch Ngô Sỹ Liên đang cung cấp nước cho khu vực nội đô để dành đất xây dựng các cao ốc.
Mặt khác, việc đề xuất xây dựng hàng loạt công trình cao tầng về nhà ở, trung tâm thương mại, dịch vụ tại khu vực nội đô Hà Nội vào thời điểm Thủ đô đang hàng ngày phải đối mặt với tình trạng ùn tắc giao thông, dân cư nội đô tăng chóng mặt, khiến cho dư luận luận không đồng tình.
Thậm chí có ý kiến cho rằng, đề xuất đang làm ngược, trái với quy định của pháp luật. “Chính lãnh đạo Hà Nội thừa nhận việc quy hoạch bị băm nát và phải trả giá vì sự băm nát này. Thay vì chấn chỉnh sớm, thì đề xuất xây dựng cao ốc 40-70 tầng khu vực ga Hà Nội đang tiếp tục xê dịch quy hoạch, chạy theo nhà đầu tư. Thậm chí, chọn BĐS thay vì chọn phát triển bền vững”, vị KTS của Hội quy hoạch nói.
Chủ tịch Hà Nội chính thức nói về xây cao ốc 70 tầng khu vực ga Hà Nội
“Tôi dám khẳng định, những vấn đề liên quan đến việc thực hiện quy hoạch ga Hà Nội không có lợi ích nhóm...”, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh.