Xu hướng sử dụng kính cho toàn bộ mặt tiền công trình
Kính cường lực là một trong những vật liệu điển hình trong kiến trúc mới mang đến vẻ đẹp hiện đại, sang trọng và tăng tính thẩm mỹ cho mỗi dự án. Không những vậy, việc sử dụng kính còn giúp giải quyết những yêu cầu lớn hơn cho ngôi nhà như sự bảo mật, cách âm, bền với thời gian và lấy ánh sáng tự nhiên cho căn hộ. Đó là lý do nhiều dự án bất động sản hiện nay ưu tiên vật liệu kính khi xây dựng các công trình.
Những bức tường thô cứng được thay thế bằng tấm kính cường lực khổ lớn ghép lại với nhau và liên kết bằng những vật liệu chuyên dụng đang được sử dụng rộng rãi. Hiện nay, nhiều loại kính được sản xuất trên nền tảng công nghệ hiện đại nên có độ bền và tính thẩm mỹ cao. Trong quá trình lắp đặt kính được kết hợp với các phụ kiện để tạo sự chắc chắn cũng như mang đến một bức tường kính sang trọng cho toàn bộ công trình.
Bảo tàng Quảng Ninh - một trong những công trình tiêu biểu sử dụng kính ở mặt tiền
Kính cường lực không chỉ đem lại cho người sử dụng cảm giác an toàn khi sử dụng, ngoài ra còn tăng khả năng chống ồn, chống bụi, dễ vệ sinh, lắp đặt, tận dụng triệt để ánh sáng tự nhiên. Do đó, kính cường lực được sử dụng tại nhiều hạng mục công trình như: cửa đi lại, vách ngăn, mặt dựng, ban công, lan can, cầu thang và trang trí nội thất.
Trong ngành xây dựng, hiện có 2 loại kính được sử dụng phổ biến là kính cường lực (khi vỡ sẽ vỡ cả tấm thành các hạt) và kính dán an toàn (hai lớp kính cường lực dán với nhau bởi chất liệu màng phim, khi vỡ sẽ rạn nhưng không rơi).
Theo đại diện Công ty TNHH MTV Lắp dựng kính Viglacera, kính cường lực đang là xu hướng được các kiến trúc sư sử dụng trong toàn bộ mặt tiền ở nhiều công trình xây dựng trong những năm gần đây. Ngoài những ưu điểm về khả năng chịu lực cao, cách âm, cách nhiệt tốt, kính cường lực còn cho cảm giác mở rộng không gian và tầm nhìn. Loại kính này cũng có tính thẩm mỹ cao trong kiến trúc, tăng hiệu quả thị giác và khả năng chiếu sáng.
"Mỗi nguyên vật liệu sử dụng trong thiết kế, kiến trúc công trình đều ẩn chứa các ưu điểm và nhược điểm khác nhau, kính cường lực cũng vậy. Kính có nguy cơ tự nổ vỡ nếu sản phẩm không đảm bảo chất lượng trong quá trình gia công. Đó là lý do hiện nay khách hàng thường ưu tiên lựa chọn các loại kính được sản xuất bằng công nghệ tôi kính đối lưu toàn phần, giúp tăng độ an toàn và thẩm mỹ cho kính", vị này cho biết thêm.
Công nghệ đang làm thay đổi xu hướng kiến trúc công trình
Có thể thấy, chất lượng và tuổi thọ của sản phẩm kính phụ thuộc rất nhiều tại công đoạn sản xuất thành phẩm. Trong khi nguồn cầu sản phẩm kính gia tăng, nhất là trong thời điểm tốc độ đô thị hoá diễn ra mạnh mẽ, thì tại Việt Nam không có nhiều đơn vị có thể thực hiện gia công kính tiết kiệm năng lượng. Đặc biệt, sản phẩm kính Low-e phủ mềm 2 hoặc 3 lớp bạc với dây chuyền gia công kính tôi nhiệt đối lưu toàn phần lại càng khan hiếm.
Công nghệ tôi kính đối lưu toàn phần được ứng dụng trong sản xuất kính tiết kiệm năng lượng
Trong quá trình tôi kính, kính được nâng nhiệt bởi hệ thống tuần hoàn khí nóng cả phía trên và dưới tấm kính làm cho nhiệt độ tấm kính được nâng lên đồng đều trên toàn bộ diện tích nung. Đặc biệt với công nghệ này, dây chuyền tôi kính của Viglacera tôi được sản phẩm kính phủ từ 2 đến 3 lớp bạc với giá trị E ≤ 0,02. Sản phẩm sau khi tôi có độ phẳng tốt nhất và không làm thay tính chất đổi lớp phủ. Dây chuyền sản xuất kính với mức độ tự động hóa cao cho sản phẩm có chất lượng đáp ứng được nhu cầu sử dụng kính chất lượng cao cho các tòa nhà.
Với đặc điểm khí hậu phân vùng: Bắc, Trung, Nam như ở Việt Nam, việc sản xuất kính ứng dụng cho công trình ngoài trời phải đáp ứng được cả hai loại khí hậu là nóng và lạnh. Vì thế, ứng dụng công nghệ tôi kính đối lưu toàn phần sẽ giúp đảm bảo yếu tố bền vững cho công trình, thích nghi nhanh chóng với những biến đổi của thời tiết.
Ứng dụng công nghệ tôi kính đối lưu toàn phần cần chú trọng đến việc lựa chọn loại kính phù hợp và bền vững. Song đây là bài toán khó do việc sản xuất và lắp đặt kính chịu nhiều tác động của ngoại cảnh, mà chỉ một số đơn vị trên thị trường có thể thực hiện được, điển hình có thể kể đến một số đơn vị lâu năm như Viglacera.
Để giải quyết cản trở trong quá trình thi công, nhà sản xuất kính có nhiệm vụ nâng cao khả năng chịu lực, chịu nhiệt của kính.
Sản phẩm kính dán, kính cường lực, kính hộp sau khi trải qua dây chuyền công nghệ tôi kính đối lưu toàn phần có độ phẳng tốt hơn, đảm bảo ghép nhiều lớp kính với nhau không bị biến dạng, gia tăng tính an toàn cho công trình.
Ứng dụng kính cho mặt tiền là một trong những cách làm sáng tạo, gia tăng thẩm mỹ cho công trình. Ngoài ra, phương pháp này còn phối hợp ăn ý với ánh sáng tự nhiên và bóng tối, vừa giúp giảm bức xạ mặt trời, và đem đến nguồn sáng tự nhiên cho không gian.