Mới đây, SeABank cho biết đang lấy ý kiến cổ đông về việc phát hành tối đa 400 triệu USD trái phiếu ra thị trường quốc tế. Đây là loại trái phiếu không chuyển dodỏi, không có tài sản đảm bảo, không kèm chứng quyền, kỳ hạn dự kiến tối đa là 5 năm. Lãi suất của trái phiếu sẽ được xác định theo từng đợt phát hành và ngân hàng dự kiến sẽ phát hành trong năm nay. Các kế hoạch phát hành cụ thể hơn sẽ do HĐQT và TGĐ quyết định sau khi phương án được thông qua.
Đáng chú ý, SeABank cũng huy động được số tiền khá lớn thông qua phát hành trái phiếu trong nước kể từ đầu năm đến nay, ước tính trên 5.000 tỷ đồng. Nếu phát hành thành công 400 triệu USD trái phiếu quốc tế trong năm nay, tổng cộng SeABank sẽ huy động được hơn 14.000 tỷ từ trái phiếu.
Trước SeABank, nhiều ngân hàng khác cũng có kế hoạch phát hành trái phiếu quốc tế trong năm nay và 2020, khối lượng đều khá lớn.
Chẳng hạn SHB muốn phát hành và niêm yết 500 triệu USD trái phiếu quốc tế tại Sở giao dịch chứng khoán Singapore. Trong đó, 300 triệu USD trái phiếu là nhằm tăng vốn cấp 2 (trái phiếu vốn cấp 2 được mua sau 5 năm 1 ngày, không có đảm bảo và không kèm chứng quyền, không chuyển đổi) và 200 triệu USD trái phiếu quốc tế cao cấp (trái phiếu không chuyển đổi, không có bảo đảm và không kèm chứng quyền). Kỳ hạn trái phiếu dự kiến là kỳ hạn 3-5 năm với trái phiếu quốc tế cao cấp và 10 năm đối với trái phiếu quốc tế tăng vốn cấp 2. Thời gian dự kiến phát hành là trong quý 4/2019 và năm 2020.
Trong khi đó, VPBank muốn phát hành tới hơn 1 tỷ USD trái phiếu ra thị trường quốc tế trong năm 2019-2020. Hồi tháng 7, ngân hàng này đã phát hành thành công 300 triệu USD, lãi suất 6,25%, trái phiếu có kỳ hạn 3 năm. Tính cả trái phiếu phát hành trong nước, VPBank đã phát hành hơn 13.000 tỷ, dẫn đầu thị trường về khối lượng phát hành.
Trong khi đó, hồi giữa năm TPBank cũng lấy ý kiến cổ đông về việc phát hành 200 triệu USD trái phiếu quốc tế vốn cấp 2 trong năm 2019.
Năm ngoái, một số ngân hàng khác cũng muốn tìm vốn ngoại bằng cách phát hành trái phiếu. Đơn cử là HDBank đã xin ý kiến cổ đông về việc phát hành 300 triệu USD trái phiếu chuyển đổi kỳ hạn 5 năm 1 ngày với lãi suất cố định trong 5 năm kể từ ngày phát hành, cho dưới 100 nhà đầu tư.
Trên thực tế, việc huy động vốn từ trái phiếu quốc tế cũng đã có ngân hàng thực hiện từ cách đây nhiều năm đó là VietinBank phát hành 500 triệu USD trái phiếu vào năm 2012, kỳ hạn 5 năm. Song kể từ năm 2012 đến nay, hình thức phát hành trái phiếu quốc tế còn khá mới lạ với các ngân hàng Việt và họ chủ yếu tiếp cận vốn ngoại thông qua các hợp đồng tín dụng hay tài trợ thương mại.
Một trong những lý do chính khiến các nhà băng ồ ạt huy động vốn quốc tế thời gian gần đây là nhu cầu ngoại tệ. SeABank cho biết, hiện nay, ngân hàng chưa thể đáp ứng hết nhu cầu vay vốn ngoại tệ của khách hàng do những hạn chế từ quy định của NHNN về huy động vốn ngoại tệ.
Hiện nay, nguồn huy động bằng ngoại tệ từ khách hàng trong nước chủ yếu là nguồn vốn ngắn hạn, không ổn định do NHNN hạn chế nắm giữ USD thông qua trần lãi suất huy động USD là 0%. "Việc phát hành trái phiếu quốc tế bằng ngoại tệ sẽ giúp SeABank cải thiện cơ cấu kỳ hạn giữa tài sản nợ và tài sản có tốt hơn, giảm thiểu rủi ro kỳ hạn, lãi suất, đồng thời nâng cao hiệu quả sử dụng vốn", SeABank cho biết.
Trước đó, chia sẻ với chúng tôi, ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc TPBank cho biết huy động trái phiếu quốc tế kỳ hạn dài là một trong những phương án tối ưu để cải thiện vốn cấp 2, đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn CAR, trong bối cảnh ngân hàng muốn có nhiều dư địa hơn để tăng trưởng tín dụng.
Một chuyên gia khác thì cho rằng, các ngân hàng phát hành trái phiếu quốc tế ở thời điểm này có lợi hơn là lãi suất trên thị trường quốc tế thấp hơn lãi suất tiền đồng trong nước. Tất nhiên, được lợi về lãi suất thì các nhà băng sẽ phải chịu rủi ro về tỷ giá hối đoái. Nhưng trong bối cảnh tỷ giá khá ổn định trong thời gian gần đây và cơ quan quản lý cũng ngày càng có kinh nghiệm điều hành tỷ giá thì lo ngại về tỷ giá tăng không quá lớn. Việc ngày càng nhiều ngân hàng muốn phát hành trái phiếu quốc tế thời gian gần đây cũng cho thấy các ngân hàng Việt đang ngày càng tự tin hơn, bởi niêm yết trái phiếu ở thị trường quốc tế cũng đòi hỏi ngân hàng phải đủ uy tín, có xếp hạng tín nhiệm tốt.